Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

B

Ba cảm thọ (pháp số) Cảm thọ thứ nhất là lạc thọ - cảm giác dễ chịu. Cảm thọ thứ hai là khổ thọ - cảm giác khó chịu. Cảm thọ thứ ba là xả thọ - cảm giác trung tính, không khó chịu cũng không dễ chịu và cũng có thể chuyển thành khổ thọ hay lạc thọ. Cảm thọ có thể có nguồn gốc sinh vật lý hay tâm lý. Cảm thọ là lĩnh vực quán chiếu thứ hai được đề cập tới trong Kinh Quán Niệm Hơi Thở và Kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm. Ở Làng Mai, chánh niệm được thực tập thường xuyên để có thể nhận diện và chuyển hóa các cảm thọ theo hướng tích cực, chuyển hóa một xả thọ hay khổ thọ thành một lạc thọ. Ví dụ, nhức răng là một khổ thọ. Khi quán chiếu cảm thọ đó “Tôi đang thở vào và biết rằng tôi đang nhức răng. Tôi đang thở ra và mỉm cười với cái răng nhức của tôi”, ta thấy rằng không nhức răng là một hạnh phúc. Bình thường ta cho tình trạng không nhức răng là một xả thọ. Khi bị nhức răng, ta mới khám phá ra rằng không nhức răng quả là một lạc thọ, tức là khi đó một xả thọ, nhờ có yếu tố chánh niệm, đã chuyển thành một lạc thọ.

Ba học
(pháp số) Giới, định và tuệ hoặc niệm, định và tuệ. Còn gọi là tam vô lậu học – ba phép thực tập giúp cho mình không còn sa đọa.

Ba lạy (pháp số, phép tu)
1. Một pháp môn thực tập của Làng Mai.
2. Sự thực tập lạy xuống (tiếng Anh là Touching The Earth) để buông bỏ, chuyển hóa và đạt tới vô sinh.
  • Lạy thứ nhất: Năm vóc sát đất, con tiếp xúc với tổ tiên và con cháu của con trong hai dòng tâm linh và huyết thống. Con có tổ tiên tâm linh của con là Bụt, các vị bồ tát, các vị thánh tăng và các vị tổ sư qua các thời đại, trong đó có các bậc sư trưởng của con đã qua đời hay còn tại thế. Các vị đang có mặt trong con, các vị đã truyền trao cho con những hạt giống bình an, trí tuệ, tình thương và hạnh phúc. Nhờ liệt vị mà con có được một ít vốn liếng của an lạc, tuệ giác và từ bi. Trong dòng tổ tiên tâm linh của con, có những vị mà giới hạnh, trí tuệ và từ bi viên mãn, nhưng cũng có những vị mà giới hạnh, trí tuệ và từ bi còn khiếm khuyết. Tuy nhiên con  cúi  đầu nhận chịu tất cả là tổ tiên tâm linh của con, vì chính trong con cũng có những yếu đuối, những khiếm khuyết về giới hạnh, trí tuệ và từ bi. Và cũng vì con biết trong con còn có những yếu đuối và khiếm khuyết ấy cho nên con mở lòng chấp nhận tất cả các con cháu của con, trong đó có những người mà giới hạnh, trí tuệ và từ bi đáng cho con kính ngưỡng nhưng cũng có những người còn đang chật vật, khó khăn và trồi sụp không ngừng trên con đường tu đạo. Ðiều này cũng đúng về phương diện huyết thống. Con chấp nhận tất cả các vị tổ tiên huyết thống của con về cả hai phía nội, ngoại với tất cả những đức độ, công hạnh và khiếm khuyết của các vị, cũng như con mở lòng chấp nhận tất cả các con cháu của con với những đức độ, tài năng và khiếm khuyết của từng người. Tổ tiên tâm linh và tổ tiên huyết thống của con, cũng như con cháu tâm linh và huyết thống của con, đều đang có mặt trong con. Con là họ, họ là con, con không có một cái ta riêng biệt; tất cả đều có mặt trong một dòng sinh mạng đang diễn biến mầu nhiệm. 
  • Lạy thứ hai: Năm vóc sát đất, con tiếp xúc với mọi người và mọi loài đang có mặt với con giờ này trong sự sống. Con thấy con là sự sống mầu nhiệm đang dàn trải trong không gian. Con thấy con liên hệ mật thiết tới mọi người và mọi loài; tất cả những hạnh phúc và khổ đau của mọi người và mọi loài là những hạnh phúc và khổ đau của chính con. Con là một với những người sinh ra đã có khuyết tật, hoặc vì chiến tranh, tai nạn hay ốm đau mà trở thành khuyết tật. Con là một với những người đang bị kẹt vào những tình trạng chiến tranh, áp bức và bóc lột. Con là một với những người chưa từng có hạnh phúc trong gia đình, không có gốc rễ, không có bình an trong tâm, đói khát hiểu biết, đói khát thương yêu, đang đi tìm một cái gì đẹp, thật và lành để bám víu vào mà tin tưởng. Con là một với người đang hấp hối, sợ hãi không biết sẽ đi về đâu. Con là em bé sống trong nghèo khổ, tật bệnh, chân tay gầy ốm như những ống sậy, không có tương lai. Con là kẻ đang chế tạo bom đạn để bán cho các nước nghèo khổ. Con là con ếch bơi trong hồ mà cũng là con rắn nước cần nuôi thân bằng thân ếch nhái. Con là con sâu, con kiến mà cũng là con chim đang đi tìm kiếm con kiến, con sâu. Con là cây rừng đang bị đốn ngã, là nước sông và không khí đang bị ô nhiễm, mà cũng là người đốn rừng và làm ô nhiễm không khí và nước sông. Con thấy con trong tất cả mọi loài và tất cả mọi loài trong con. Con là một với những bậc đại nhân đã chứng được vô sinh, có thể nhìn những hiện tượng diệt sinh, hạnh phúc và khổ đau bằng con mắt trầm tĩnh. Con là một với những thiện tri thức hiện đang có mặt rải rác khắp nơi trên thế giới, có đủ bình an, hiểu biết và thương yêu, có khả năng tiếp xúc với những gì nhiệm mầu, có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu trong sự sống, và cũng có thể ôm trọn thế gian này bằng trái tim thương yêu và hai cánh tay hành động của quý vị. Con là người có đủ an lạc và thảnh thơi, có thể hiến tặng sự không sợ hãi và niềm vui sống cho những sinh vật quanh mình. Con thấy con không hề đơn độc. Những bậc đại nhân hiện đang có mặt trên đời; tình thương và niềm vui sống của họ đang nâng đỡ con, không để con đắm chìm trong tuyệt vọng và giúp con sống đời sống của con một cách an vui, trọn vẹn và có ý nghĩa. Con thấy con trong tất cả các vị và tất cả các vị trong con. 
  • Lạy thứ ba: Năm vóc sát đất, con buông bỏ ý niệm về hình hài và thọ mạng. Con thấy được thân tứ đại này không đích thực là con, con không bị giới hạn trong hình hài này. Con là tất cả dòng sinh mạng tâm linh và huyết thống từ nghìn xưa liên tục diễn biến tới nghìn sau. Con là một với tổ tiên của con, con là một với con cháu của con. Con là sự sống biểu hiện dưới vô lượng hình thức. Con là một với mọi người và mọi loài, dù an lạc hay khổ đau, vô úy hay lo lắng. Con đang có mặt khắp nơi trong giờ phút này, và từ quá khứ cho tới tương lai. Sự tan rã của hình hài này không động được tới con, như một cánh hoa đào rơi không làm cho sự có mặt của cây hoa đào suy giảm. Con thấy con là một con sóng trên mặt đại dương, bản thể con là nước trong đại dương. Con thấy con trong tất cả các con sóng khác và tất cả các con sóng khác trong con. Sự biểu hiện hay ẩn tàng của hình tướng con sóng không làm suy giảm sự có mặt của đại dương. Pháp thân và tuệ mạng của con không sinh mà cũng không diệt. Con thấy được sự có mặt của con trước khi hình hài này biểu hiện và sau khi hình hài này biến diệt. Con thấy được sự có mặt của con ngoài hình hài này, ngay trong giờ phút hiện tại. Khoảng thời gian tám, chín mươi năm không phải là thọ mạng của con. Thọ mạng của con, cũng như của một chiếc lá hay của các vị Bụt Thế Tôn, là vô lượng. Con thấy con vượt thoát ý niệm con là một hình hài biệt lập với mọi biểu hiện khác của sự sống, trong thời gian cũng như trong không gian.
Ba mươi sáu định đề giáo lý Làng Mai (pháp số)
  1. Hư không không phải là một pháp vô vi, hư không chỉ biểu hiện chung với thời gian, vật thể và tâm thức.
  2. Về phương diện Tích Môn: Tất cả các pháp đều là hữu vi. Về phương diện Bản Môn: Tất cả các pháp đều là vô vi. 
  3. Niết Bàn là sự vắng mặt của vô minh và phiền não mà không phải là sự vắng mặt của uẩn, xứ và giới. 
  4. Niết Bàn là Niết Bàn, không hữu dư y cũng không vô dư y. 
  5. Niết Bàn có thể được tiếp xúc trong giây phút hiện tại. 
  6. Niết Bàn không phải là một pháp mà là tự tánh của các pháp. 
  7. Vô sinh có nghĩa là Niết Bàn, có nghĩa là Chánh Giác, cùng với bất diệt, vô khứ vô lai, phi nhất phi dị, phi hữu phi vô. 
  8. Các định Không, Vô tướng, Vô Tác giúp ta tiếp xúc với Niết Bàn. 
  9. Những định căn bản là Vô Thường, Vô Ngã, Niết Bàn. 
  10. Ba Pháp Ấn là Vô Thường, Vô Ngã, và Niết Bàn. Có thể nói tới bốn Pháp Ấn hay năm Pháp Ấn nếu trong đó có Pháp Ấn Niết Bàn. 
  11. Niệm, Định, Tuệ là sự thực tập nòng cốt để đi đến giải thoát. 
  12. Giới cũng là Niệm. 
  13. Cần (tinh tấn) cũng là Giới. 
  14. Niệm, Định, Tuệ tương dung, cả ba đều có công năng đưa tới hỷ lạc và giải thoát. 
  15. Chánh niệm về khổ đau giúp ta nhận diện những điều kiện hạnh phúc đang có mặt và ngăn ngừa tạo tác lầm lỗi và gieo nghiệp nhân xấu. 
  16. Bốn diệu đế đều là hữu vi; Bốn diệu đế đều là vô vi. 
  17. Diệu đế thứ ba có thể gọi là Lạc đế. 
  18. Ý chí tự do có được là do Tam Học. 
  19. Nên nhìn tập đế là con đường của Bát Tà Đạo. Nguyên do sinh tử luân hồi không phải chỉ là ham muốn. 
  20. Vị A La Hán chân thực cũng là một vị Bồ Tát, vị Bồ Tát đích thực cũng là một vị A La Hán. 
  21. Hễ là người thì có thể là Bụt, là Bụt nhưng không ngừng làm người; do vậy có hằng hà sa số Bụt. 
  22. Bụt có nhiều thân: Chúng sinh thân, pháp thân, thân ngoại thân, tăng thân, thừa kế thân, pháp giới thân và pháp giới tính thân. Người vì có thể là Bụt nên cũng có đầy đủ các thân ấy. 
  23. Có thể nói tới con người (pudgala) như một dòng ngũ uẩn liên tục (hằng) luôn luôn chuyển biến (chuyển) liên hệ tương duyên và trao đổi với các dòng hiện tượng khác, mà không thể nói tới con người như một cái ta biệt lập, bất biến và thường hằng. 
  24. Chỉ có thể hiểu luân hồi theo đệ nhất nghĩa trong ánh sáng của vô thường, vô ngã và tương tức. 
  25. Khổ lạc tương tức; phiền não và bồ đề đều có tính chất hữu cơ. 
  26. Tăng thân, Phật thân, Pháp thân tương tức. Trong chân Tăng có chân Phật và chân Pháp. 
  27. Vì phiền não và bồ đề đều có tính chất hữu cơ, nên sự thực tập cần được liên tục để mang tới chuyển hóa và giữ cho không đọa lạc. Luân hồi là sự tiếp nối: cái đẹp và cái lành cần được tiếp nối càng lâu, càng dài, càng tốt; cái xấu và cái dở cần được chuyển hóa để đừng tiếp tục; rác phải được sử dụng để nuôi hoa. 
  28. Giải thoát luân hồi không có nghĩa là chấm dứt một bổ đặc già la (pudgala) vốn không thật có, cũng không phải là chấm dứt giới thân tuệ mạng của một đời tu. 
  29. Sinh diệt chỉ là biểu và vô biểu. Biểu là biểu hiện, năng sở đồng thời. Trong khi có biểu này thì có vô biểu kia. Trong khi cái này biểu thì cái kia vô biểu. 
  30. Pháp không phải là một sự vật, một cái, một thực thể, mà là một quá trình, một sự kiện đang xẩy ra, và trước hết là một đối tượng của tâm thức. 
  31. Báo thân gồm cả y lẫn chánh, cả cộng lẫn tự, ta bà của chúng sinh là tịnh độ của Bụt. 
  32. Không có ngã nhưng vẫn có luân hồi. Có cái gọi là tương tức (samtati) nhưng cái tương tức nào cũng đều có tính tương tức. 
  33. Phật tử qua các thế hệ phải liện tục đối kháng lại hai khuynh hướng thần hóa và ngã hóa, biểu hiện những nhu yếu đại chúng nhất của con người. 
  34. Tàng thức có công năng học hỏi, huân tập, xử lý, lưu trữ, sắp đặt kế hoạch đối phó, bảo hộ, nuôi dưỡng, trị liệu và tiếp nối. Tàng thức có công năng thiết lập một kho tư liệu, những lề lối hành xử vô thức đã được sắp đặt sẵn, một chương trình tự động tự dẫn để chiếc thuyền có thể tự lèo lái mà không cần sự có mặt của một vị thuyền trưởng. 
  35. Mạt na có khuynh hướng tìm an ổn lạc thú bền bỉ, không thấy được luật tiêu thụ có chừng mực, không thấy được mục đích và sự nguy hại của sự tìm cầu dục lạc, không thấy được sự thiết dụng của khổ đau, sự cần thiết của tuệ giác vô thường, vô ngã, tương tức, từ bi và truyền thông. 
  36. Ý thức nhờ thực tập Giới, Định, Tuệ mà có thể học hỏi và chuyển xuống những kinh nghiệm và tuệ giác của mình cho tàng thức và giao cho tàng thức trách nhiệm làm chín muồi và phát hiện toàn diện những hạt giống tuệ giác đã có sẵn trong nó.
Ba sự quay về nương tựa (pháp số, bài nhạc) Nương tựa Bụt, nương tựa Pháp, nương tựa Tăng. Cũng là tam quy, ba quy hay là ba quy y. 2. Một bài hát do Thầy Làng Mai viết lời và phổ nhạc: Con về nương tựa Bụt. Người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời. Namo Buddhaya. Con về nương tựa Pháp. Con đường của tình thương và sự hiểu biết. Namo Dharmaya. Con về nương tựa Tăng. Đoàn thể của những ai nguyện sống cuộc đời tỉnh thức. Namo Sanghaya. Đã về nương tựa Bụt, con đang có hướng đi sáng đẹp trong cuộc đời. Namo Buddhaya. Đã về nương tựa Pháp, con đang được học hỏi và tu tập các pháp môn chuyển hóa. Namo Dharmaya. Đã về nương tựa Tăng, con đang được tăng thân soi sáng, dìu dắt và nâng đỡ trên con đường thực tập. Namo Sanghaya. Về nương Bụt trong con, xin nguyện cho mọi người thể nhận được giác tính sớm mở lòng Bồ Đề. Namo Buddhaya. Về nương Pháp trong con, xin nguyện cho mọi người nắm vững các pháp môn cùng lên đường chuyển hóa. Namo Dharmaya. Về nương Tăng trong con, xin nguyện cho mọi người xây dựng nên bốn chúng nhiếp hóa được muôn loài. Namo Sanghaya. Buddham saranam gaccha mi. Dharmam saranam gaccha mi. Sangham saranam gaccha mi.

Ba viên ngọc quý (pháp số)  Tức là tam bảo. Bụt - phiên âm từ chữ Buddha của tiếng Magadhi nghĩa là người tỉnh thức, người có tự do, có an lạc, có tình thương và sự hiểu biết. Viên ngọc quý này cũng có nghĩa là tính Bụt, là khả năng tỉnh thức trong mỗi người. Pháp (Dharma) - con đường của sự tỉnh thức. Con đường này đã được Bụt tìm ra và chỉ dạy cho chúng ta. Tăng (Sangha) - đoàn thể những người đang cùng nhau thực tập đạo tỉnh thức và cùng đi trên con đường giác ngộ. Tam bảo không phải chỉ là đối tượng của đức tin, mà phải là đối tượng của sự thực tập trong đời sống hàng ngày.

Bác Cả (tên gọi) Danh từ các thầy và các sư cô Làng Mai dùng để gọi bác Lê Nguyên Thiều (xem Lê Nguyên Thiều)

Bác Tư (tên gọi) Tác giả của những bài thiền ca mang âm hưởng lối hát lối đối đáp Nam Bộ mà thiền sinh từ Nam chí Bắc đều hâm mộ như : Thiền Hành (điệu ngũ điểm qua Bài Tạ), Thiền Trà (điệu Hành Vân), Thở (Lý Con Sáo Nam), Thương Bông Hường... Bác Tư được Sư Cô Chân Không mời từ Úc Châu sang Làng Mai để dạy đàn tranh cho thanh thiếu niên Việt. Đây chỉ là cớ phụ để bác bớt giận và dẹp dần dần ý định dùng súng bắn chết vợ, hai con gái (một cô là y sĩ một là luật sư), con trai (kỹ sư) rồi tự sát luôn. Ở Làng hơn một năm Bác Tư vẫn chưa bỏ được ý định giết các con và tự sát. Nhưng phép Bụt nhiệm mầu từ từ thấm vào bác. Cuối năm thứ hai,  khi được Thiền Lạy lần đầu, bác Tư đã khóc và tinh chuyên thực tập mỗi ngày,  ba tháng sau bác chuyển hóa 100%. Gương mặt của Bác đã trở nên thật hiền, thật từ bi. Trở về lại Úc, từ chỗ là kẻ thù, Bác trở nên vừa cha ruột vừa cha tinh thần của tất cả các con, dàn xếp và hòa giải nhiều tranh chấp giữa các con vốn đã lớn. Hai năm sau bác bị ung thư gan và hôn mê sắp tắt thở khi hai mạch máu trong gan bị vỡ. Nghe tiếng Sư Cô làm thiền hướng dẫn qua điện thoại (!) trực tiếp vào phòng hồi sức trong bệnh viện, bác tỉnh dậy và phục hồi sức khoẻ khá nhanh. Sau năm tháng tĩnh dưỡng Bác Tư (trai) và sư cô Phước Hải (vốn là bác Tư gái) cùng hai cô con gái qua Làng Mai với ý định cả ba cha con ở lại xuất gia. Nhưng nhân duyên chưa đủ nên cuối cùng cả gia đình trở về lại Úc sau hai năm tu học tại Làng. Bệnh ung thư gan bộc phát lại và bác Tư đã ra đi thật bình an với nụ cười trên môi. Điều này đã gây niềm tin cho không biết bao nhiêu là bạn bè. Sau đây là lời của bài Thiền Hành, bài hát đã trở nên quen thuộc đối với rất nhiều bạn thiền sinh về Làng Mai tu tập: Thở đều theo bước thảnh thơi, ta mỉm miệng nở luôn nụ cười. Đằng xa trời đất bao la, phút giây hiện tại là phút giây tuyệt vời. Tuyệt vời là vẻ đẹp của đất trời. Tuyệt vời là ta ở tại đây, có thầy có bạn có luôn nụ cười. Còn thở là ta còn sống, bước đều là còn đủ hai chân. Còn thấy đường để ngắm thiên nhiên, vậy là sướng quá tiên trên trời…

Bách Nghiêm (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, quốc tịch Mỹ, sinh năm 1980, tập sự xuất gia năm 2002 (22 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 8 tháng 2 năm 2003 (23 tuổi) tại chùa Pháp Vân – Làng Mai, pháp danh Tâm Nguyên Đức, pháp tự Chân Bách Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Hồ Đào. Thọ giới Thức Xoa Ma Na năm 2004 trong đại giới đàn Đoàn Tụ. Thọ giới lớn ngày 14 tháng 1 năm 2006 trong đại giới đàn Cổ Pháp. Nhận truyền đăng năm 2010 trong đại giới đàn Thủy Tiên tại Thái Lan với bài kệ truyền đăng:
Vườn xưa tùng bách đứng trang nghiêm
Tiếng gió trong cây giảng đạo thiền
Hơi thở đã về chân đã tới
Đâu cần lao nhọc tới Tây thiên.

Là đệ tử thứ 177 của Sư Ông Làng Mai. Sư cô Bách Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.

Bạch Vân (cơ sở) Một cư xá tại đạo tràng Thanh Sơn, tu viện Rừng Phong.

Bài Tụng Hạnh Phúc (bài tụng) Một bài tụng được sử dụng trong các công phu sáng hoặc chiều tại các thiền viện, có thể dùng cho cả hai phái Thiền tông và Tịnh Độ tông. Có trong sách Nhật Tụng Thiền Môn năm 2000 và Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn.

Ban chăm sóc (chức vụ) Một ủy ban do toàn chúng của mỗi xóm bầu ra để giúp Hội đồng Giáo Thọ và Hội Đồng Tỳ kheo (ni) trong việc chăm sóc các sinh hoạt của đại chúng, phối hợp với các chùa khác trong đạo tràng điều hành và tổ chức lễ lược, tổ chức các khóa tu. Ban này gồm có cả các vị tỳ khưu (tỳ khưu ni), sa di (sa di ni) và các cư sĩ thường trú, được bầu mỗi năm một lần, hoặc hai lần, người được bầu không nhất thiết phải có hạ lạp cao, chỉ cần có tài năng phục vụ chúng. Tiếng anh gọi là Care Taking Council, gọi tắt là C.T.C.

Bàn Chân Của Bụt (khóa tu) Tên một khóa tu 21 ngày được tổ chức tại Làng Mai năm 2004.

Bàn Tay Của Bụt (khóa tu) Tên một khóa tu 21 ngày được tổ chức tại Làng Mai năm 2002.

Bản môn (thuật ngữ) Thế giới bản thể, không sinh, không diệt, không đến, không đi, không còn, không mất, không một, không khác, vượt thoát giới hạn thời gian và không gian. Đồng nghĩa với vô sinh. Bản môn được dịch ra tiếng Anh là The Ultimate Dimension, đối lại với tích môn là The Historical Dimension. Thế giới tích môn là thế giới hiện tượng được nhận thức qua khung thời gian và không gian. Tích môn được ví dụ với sóng, bản môn được ví dụ với nước. Sóng là sóng nhưng sóng đồng thời cũng là nước. Sóng có lên, có xuống, có sinh, có diệt, có có, có không, có cao, có thấp, nhưng nước thì không. Vì sóng cũng là nước cho nên tiếp xúc sâu sắc với sóng là tiếp xúc được với nước. Tiếp xúc sâu sắc với tích môn thì cũng tiếp xúc được với bản môn. Thực tập thiền là thực tập sống sâu sắc để có thể tiếp xúc sâu sắc với thế giới tích môn, để có cơ duyên tiếp xúc với thế giới bản môn.

Băng Nghiêm (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, quốc tịch Việt Nam, sinh năm 1986, tập sự xuất gia năm 2005 (19 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 8 tháng 1 năm 2006 (20 tuổi) tại Tu viện Bát Nhã, pháp danh Tâm Diệu Hóa, pháp tự Chân Băng Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Hồng Giòn. Thọ giới Thức xoa ma na năm 2008 tại tu viện Bát Nhã trong đại giới đàn Thanh Lương Địa. Thọ giới lớn ngày 12 tháng 01 năm 2009 tại chùa Từ Hiếu trong đại giới đàn Mùa Sen Mới. Là đệ tử thứ 338 của Sư Ông Làng Mai. Sư cô Băng Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.





Báo Nghiêm (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, quốc tịch Việt Nam, sinh năm 1986, tập sự xuất gia năm 2005 (19 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 8 tháng 1 năm 2006 (20 tuổi) tại Tu viện Bát Nhã, pháp danh Tâm Quảng Hương, pháp tự Chân Báo Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Hồng Giòn. Thọ giới Thức xoa ma na năm 2008 tại Làng Mai trong đại giới đàn Thanh Lương Địa. Thọ giới lớn ngày 12 tháng 01 năm 2009 tại Làng Mai trong đại giới đàn Mùa Sen Mới. Là đệ tử thứ 332 của Sư Ông Làng Mai. Sư cô Báo Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.

Bảo hộ thân tâm (phép tu) Phép thực tập chánh niệm để bảo hộ sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, không cho các căn này chìm đắm và vướng mắc vào sáu đối tượng: sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp.

Bảo Nghiêm (tên gọi) Một vị giáo thọ xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, quốc tịch Đức, sinh năm 1940, tập sự xuất gia năm 1991 (51 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 27 tháng 12 năm 1991 (51 tuổi) tại chùa Cam Lộ – Làng Mai, pháp danh Tâm Thiện Nhân, pháp tự Chân Bảo Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Con Sư Tử. Thọ giới Thức Xoa Ma Na năm 1992 trong đại giới đàn Cam Lộ. Thọ giới lớn ngày 4 tháng 8 năm 1994 trong đại giới đàn Hương Tích. Nhận truyền đăng năm 2000 trong đại giới đàn Năm 2000 với bài kệ truyền đăng:
Chân kinh bảo tạng rất trang nghiêm
Tổ đạo ngàn xưa đã đắc truyền. 
Một sáng trời mây bừng chuyển hóa. 
Bàn tay từ mẫu nở hoa sen. 
Là đệ tử thứ 6 của Sư Ông Làng Mai. Sư cô Bảo Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.

Bảo tháp tình huynh đệ (văn học) Trong quá trình tổ chức ba Đại Trai Đàn Chẩn Tế Bình Đẳng Giải Oan tại Việt Nam đầu năm 2007, các vị tôn túc cùng chư vị cư sĩ đã tới với nhau bằng trái tim thuần khiết để cùng kiến lập Trai Đàn cũng như để cầu nguyện giải trừ oan khổ cho mọi tầng lớp đồng bào tử vong trong cuộc chiến, không phân biệt Nam, Bắc, tôn giáo và khuynh hướng chính trị. Trong quá trình kiến lập trai đàn và cầu nguyện cho chư hương linh, sự chân thành của mọi giới Phật tử đã xây đắp lên một tình huynh đệ rất đẹp. Thầy Làng Mai nói đó là một bảo tháp của Tình Huynh Đệ, tuy không hình tướng, nhưng sẽ đứng mãi với thời gian. Xin đọc lá thư Thầy Làng Mai gửi cho Thượng tọa Lệ Trang, sám chủ Đại Trai Đàn Chẩn Tế Bình Đẳng Giải Oan tại chùa Vĩnh Nghiêm để thấy rõ ý ấy. “Mai Thôn, 18.07.07. Kính gửi Thượng tọa Lệ Trang. Các Đại Trai đàn Chẩn tế Bình đẳng Giải oan được tổ chức tại quê hương đầu năm nay đã làm ấm lòng bao nhiêu đồng bào và giúp cho không biết bao nhiêu người bớt khổ. Tuy trở ngại khá nhiều, khó khăn cũng không ít, nhất là ở miền Trung và miền Bắc, nhưng tình huynh đệ đã tạo ra được phép lạ giúp chúng ta vượt thoát những trở ngại và khó khăn kia, trong đó kể cả những kỳ thị, lo lắng, thờ ơ, sợ hãi và nghi ngờ. Trong khi thiết lập trai đàn, anh em chúng ta cũng đã xây lên được một Bảo tháp của Tình huynh đệ, một bảo tháp tuy không có hình tướng, nhưng rất hiện thực và không có một ai có khả năng phá đổ. Chúng ta, từ giới xuất gia cho đến giới tại gia, đã tìm tới với nhau để kiến lập các trai đàn với một trái tim thuần khiết, một tình thương không phân biệt không kỳ thị, không hề vướng một chút lợi hoặc một chút danh. Chúng ta ai cũng chỉ nghĩ đến chuyện đóng góp mà không ai nghĩ đến chuyện được đền đáp. Chúng ta đã đến với nhau để cùng chú nguyện, cùng hộ niệm, cùng khóc thương, để giải tỏa niềm đau, nhờ đó mà những oan khổ lâu nay của những người đã chết và cả những người còn sống đã có cơ hội giải trừ và tiêu tán. Hiệu quả trị liệu được trông thấy rõ ràng, làm cảm động cả trời đất, những cơn mưa trái mùa đã đổ xuống sau mỗi đại trai đàn làm mát dịu biết bao tấm lòng. Chư vị tôn đức trong ban chứng minh và các ban kinh sư đã làm việc hết lòng mà các giới Phật tử tại gia cũng đã đem hết khả năng và tâm thành để góp sức kiến đàn và cầu nguyện. Hình ảnh ấy, tình huynh đệ ấy, tôi thấy không có gì đẹp hơn. Trong dịp kiến lập các đại trai đàn này, tôi thấy lại được tình huynh đệ của năm 1963, khi Phật tử Việt Nam tới với nhau với niềm thương cảm và một trái tim thuần khiết, vô úy và thánh thiện. Điều này làm tôi giữ được niềm tin nơi khả năng của Phật tử Việt Nam trong cuộc vận động hiện đại hóa đạo Bụt để nền đạo lý dân tộc có đủ khả năng giúp người đương thời chuyển hóa được những khó khăn và khổ đau mới của họ. Tôi xin cám ơn Thượng tọa đã gửi qua Mai thôn chiếc bình Tịnh thủy đã được sử dụng ở Đại Trai Đàn Vĩnh Nghiêm. Với lá thư này, đạo tràng Mai Thôn kính thỉnh Thượng tọa qua Mai thôn một vài tuần thăm viếng và nếu có thể, dạy dỗ thêm cho các huynh đệ bên này về lễ nhạc Phật giáo. Sự có mặt của Thượng tọa sẽ đem lại nhiều cảm hứng và niềm vui cho tứ chúng bên này. Kính thư, Nhất Hạnh”.

Bát Kỉnh Pháp (pháp số) Tám phép kính trọng của các thầy đối với các sư cô. Được Thầy Làng Mai tuyên đọc trong buổi pháp thoại dành cho giới xuất gia ngày 08.04.2008 tại Nội Viện Phương Khê, với lời đề tặng cho các thầy Xá Lợi Phất và A Nan Đà, hai vị tôn đức đã có công giúp cho nữ giới được xuất gia, gia nhập vào tăng đoàn của Bụt. Tám phép kính trọng này đã được tăng thân Làng Mai thực tập từ khi có giáo đoàn xuất gia năm 1988 nhưng nay mới viết thành văn bản. Đó là:
  1. Vị nam khất sĩ dù hạ lạp lớn, khi thấy một vị nữ khất sĩ chắp tay chào, cũng chắp tay chào trở lại, dù vị nữ khất sĩ này còn nhỏ tuổi. Vị nữ khất sĩ  này tuy nhỏ tuổi nhưng cũng đại diện cho Giáo Đoàn Tỳ Kheo Ni, một đối tác của Giáo Đoàn Nam Khất Sĩ trong suốt quá trình lịch sử đạo Bụt từ khởi nguyên cho đến tương lai. 
  2. Vị nam khất sĩ không suy nghĩ và phát ngôn rằng các vị nữ khất sĩ vì là giới nữ nên nặng nghiệp hơn bên nam, do đó không thể nào học hỏi, tu chứng và làm Phật sự giỏi bằng bên nam được. Vị nam  khất sĩ ý thức rằng sở dĩ những giới điều bên giới bản nữ khất sĩ nhiều hơn bên giới bản nam khất sĩ, đó không phải là vì bên nữ nặng nghiệp hơn mà là vì giáo đoàn nữ khất sĩ đã tự chế thêm một số giới điều để tự bảo hộ và giúp bảo hộ cho bên nam giới.
  3. Một vị nam khất sĩ khi thấy một vị nữ khất sĩ lớn tuổi bằng mẹ mình, thì phải ý thức rằng vị nữ khất sĩ này tuổi lớn bằng tuổi mẹ mình, để phát khởi tâm niệm cung kính, bảo hộ và giúp đỡ; khi thấy một vị nữ khất sĩ tuổi lớn bằng tuổi chị mình thì cũng phải ý thức rằng vị nữ khất sĩ này tuổi lớn bằng tuổi chị mình, để phát khởi tâm niệm cung kính, bảo hộ và giúp đỡ; khi thấy một vị nữ khất sĩ tuổi nhỏ bằng em gái mình thì cũng phải ý thức rằng vị nữ khất sĩ này tuổi trẻ bằng tuổi em gái mình, để phát khởi tâm niệm thương tưởng, bảo hộ và giúp đỡ; khi thấy một vị nữ khất sĩ tuổi nhỏ bằng con gái mình, thì nên ý thức rằng vị nữ khất sĩ này tuổi nhỏ bằng con gái mình để phát khởi tâm niệm thương tưởng, bảo hộ và giúp đỡ. 
  4. Vị nam khất sĩ không bao giờ nhục mạ một vị nữ khất sĩ dù là bằng những lời bóng gió hoặc đánh một vị nữ khất sĩ dù là với một cành hoa. Vị nam khất sĩ của thế kỷ 21 có đủ lịch sự nâng một chén trà để mời một vị nữ khất sĩ. Nếu nơi nhân cách của một vị nam khất sĩ chân tu có dáng dấp của Bồ Tát Phổ Hiền thì nơi nhân cách của một vị nữ khất sĩ chân tu cũng có dáng dấp của Đại Sĩ Quan Âm. Sự tương kính này nuôi lớn cả hai bên đối tác. 
  5. Các vị nam khất sĩ khi tổ chức an cư kiết hạ hay kiết đông nên chọn nơi nào có đoàn thể các vị nữ khất sĩ, để có cơ hội gần gũi, bảo vệ, giáo hóa và được yểm trợ, bởi vì giáo đoàn nữ khất sĩ luôn luôn là đối tác lâu dài của giáo đoàn nam khất sĩ. 
  6. Các vị nam khất sĩ khi nghe nói đến một vị nữ khất sĩ có thực học, có tài ba, có đạo đức thì có thể liên lạc với giáo đoàn nữ khất sĩ để thỉnh cầu vị nữ khất sĩ này đến giảng dạy, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm tu học của mình.
  7. Khi các vị nữ khất sĩ tình nguyện tới chùa viện các vị nam khất sĩ để giúp đỡ bày biện, nấu cỗ trong những dịp giỗ tổ hay lễ lớn, các vị nam khất sĩ phải biết tìm cách đồng sự và giúp đỡ, nhất là khi có những công tác khiêng vác nặng nhọc. 
  8. Khi nghe nói có một vị nữ khất sĩ bị ốm đau, tai nạn, các vị nam khất sĩ cần tỏ lòng ưu ái, phái người đến thăm hỏi và tìm cách yểm trợ.

Bát Nhã (cơ sở) Tên đầy đủ là Tu Viện Bát Nhã, một tu viện tại thôn 13 xã Đambri, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, do thượng tọa Đức Nghi làm viện chủ, gồm có xóm Bếp Lửa Hồng và Mây Đầu Núi của các sư cô và xóm Rừng Phương Bối của các thầy. Tu viện là chiếc nôi của hàng trăm vị xuất gia trẻ tu học theo pháp môn Làng Mai.

Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh(sách) Một cuốn sách của Thầy Làng Mai, diễn giải Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa, xuất bản lần đầu tại Hoa Kỳ trong thập niên 80 và in tại Việt Nam vào khoảng năm 2000. Bản dịch tiếng Anh tựa đề The Heart of Understanding.

Bây giờ, ở đây (thuật ngữ) Địa chỉ của sự sống đích thực. Năng lượng chánh niệm giúp đưa tâm về với thân để hành giả có mặt thật sự ngay tại nơi này trong giây phút hiện tại. An trú trong giờ phút hiện tại và ngay nơi này, hành giả không tự đánh mất mình trong quá khứ, trong tương lai, trong những lo toan và sầu khổ. Cái bây giờ và cái ở đây liên hệ với nhau mật thiết, không thể tách rời nhau, cái này chứa đựng cái kia. Thi sĩ Nguyễn Du đã viết “đến bây giờ, mới thấy đây”.
Bẫy sập hình thức (thuật ngữ) Sự thực tập hình thức không có nội dung niệm, định và tuệ. Trong lúc tụng kinh, niệm Bụt, ngồi thiền, đi thiền, dâng hương, bái sám, chấp tác, hành giả phải chế tác năng lượng chánh niệm để thật sự có mặt và để có thể chế tác năng lượng định, tuệ, an lạc và thảnh thơi. Trong một tập thể tu học, cần có sự nhắc nhở thường xuyên để hành giả đừng bị rơi vào bẫy sập thực tập hình thức.
Be Free Where You Are (sách) Một cuốn sách mỏng, nguyên bản tiếng Anh được đánh máy ra từ bài pháp thoại của Thầy Làng Mai giảng trong nhà tù Maryland Correctional House tại Maryland, do nhà Parallax ấn hành năm 2000 tại Hoa Kỳ. Được dịch ra nhiều thứ tiếng và xuất bản ở nhiều nước trên thế giới.

Being Peace (sách) Một cuốn sách mỏng, nguyên bản tiếng Anh của Thầy Làng Mai được viết và xuất bản năm 1987 tại Hoa Kỳ do nhà Parallax ấn hành. Được dịch ra nhiều thứ tiếng và xuất bản ở nhiều nước trên thế giới.

Bến Đỗ Tâm Linh (sách) Một cuốn sách trích đăng các bài viết của Thầy Làng Mai từ Lá Thư Làng Mai năm 2000, nhà in Lá Bối, Việt Nam ấn hành năm 2000.

Bệnh nằm trong phòng mà vẫn biết (giai thoại) Thông thường trong các khóa tu của Làng Mai, các thiền sinh về dự khóa tu thỉnh rất nhiều các bức thư pháp và sách của Thầy Làng Mai. Vì vậy trong các khóa tu Thầy thường phải viết rất nhiều thư pháp và ký rất nhiều sách. Trong một khóa tu tại Hòa Lan năm 2006, không ngoại lệ, Thầy cũng phải viết rất nhiều thư pháp và ký sách (trong đó có những cuốn sách đã được mua cách đây mười năm rồi giờ họ cũng mang tới để Thầy ký!). Rủi thay trong thời gian đó vai bên phải của Thầy lại bị đau nhức. Thế rồi chẳng mấy chốc tin Thầy bị đau cánh tay đã truyền đi rất mau. Có một bà thiền sinh nọ không may đã bị bệnh nằm mấy ngày liền trong phòng, vậy mà khi một sư cô tới thăm bà, bà đã tỏ vẻ rất xót xa nói với sư cô rằng: “Nghe nói Thầy bị đau tay, tội quá, chắc Thầy phải viết nhiều thư pháp và ký sách nên cánh tay của Thầy bị đau.”

Bếp Lửa Hồng (cơ sở) Một xóm dành cho các sư cô, thuộc tu viện Bát Nhã.

Bhupendra Kumar Modi (tên gọi) Tên vị giám đốc công ty M Corp Global, công ty đã dự định bỏ ra 120 triệu Mỹ Kim để thực hiện phim Buddha, dựa trên tác phẩm Đường Xưa Mây Trắng. Tiến sĩ Modi cũng là hội trưởng hội Mahabodhi Society.

Bi Nghiêm (tên gọi)  Một vị giáo thọ xuất gia nữ của Làng Mai. Người Đức, quốc tịch Đức, sinh năm 1947, tập sự xuất gia năm 1997 (50 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 4 tháng 02 năm 1998 (51 tuổi) tại chùa Từ Nghiêm – Làng Mai, pháp danh Evercaring of the Heart, pháp tự Chân Bi Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Táo. Thọ giới Thức Xoa Ma Na năm 2000. Thọ giới lớn ngày 18 tháng 12 năm 2001 trong đại giới đàn Kỷ Nguyên Mới. Nhận truyền đăng năm 2006 trong đại giới đàn Cổ Pháp với bài kệ truyền đăng: Học nhìn với mắt từ bi. Trang nghiêm cõi Bụt ngại gì nắng mưa. Tùng xanh, dương mướt năm xưa. Nhắc câu đại nguyện, sen vừa nẩy bông. Là đệ tử thứ 57 của Sư Ông Làng Mai. Sư cô Bi Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.

Bi thính (thuật ngữ)  Xem lắng nghe và truyền thông.

Bích Nghiêm (tên gọi) Một vị giáo thọ xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, quốc tịch Mỹ, sinh năm 1969, tập sự xuất gia năm 1994 (25 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 24 tháng 05 năm 1994 (25 tuổi) tại chùa Cam Lộ – Làng Mai, pháp danh Tâm Nghiêm Diễm, pháp tự Chân Bích Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Con Chim. Thọ giới lớn năm 1996 trong đại giới đàn Nến Ngọc. Nhận truyền đăng năm 2001 trong đại giới đàn Kỷ Nguyên Mới với bài kệ truyền đăng:  
Bích nham sóng vỗ tiếng âu bay.
Nghiêm hộ tương lai chính phút này.
Sông mở lòng ra, về với biển.
Biển sông ôm trọn cả trời mây.
 
Là đệ tử thứ 25 của Sư Ông Làng Mai. Sư cô Bích Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.

Bích Nham (cơ sở) Một tu viện thuộc Làng Mai, tại tiểu bang New York, Hoa Kỳ. Tiếng Anh là Blue Cliff. Gồm hai xóm là Tùng Xanh (xem Tùng Xanh) và xóm Hạc Trắng (xem Hạc Trắng). Tu viện Bích Nham được thành lập từ tháng 5 năm 2007 dưới sự tổ chức và hướng dẫn của quý thầy và quý sư cô từ tu viện Rừng Phong và đạo tràng Thanh Sơn chuyển về. Địa chỉ: 3 Mindfulness Road, Pine Bush, NY 12566, USA. Địa chỉ trang nhà: www.bluecliffmonastery.org. Tu viện đã chính thức mở cửa bằng một khóa tu cho thiền sinh tiểu bang New York và các tiểu bang lân cận từ ngày 12.10 – 18.10.2007 với sự hướng dẫn của Sư Ông cùng nhiều thầy và sư cô từ Làng Mai Pháp Quốc, trong khuôn khổ chuyến hoằng pháp tại Hoa Kỳ mùa thu 2007.

Biện Nghiêm (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, quốc tịch Việt Nam, sinh năm 1989, tập sự xuất gia năm 2008 (19 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 08 tháng 03 năm 2009 (20 tuổi) tại Chùa Từ Hiếu, pháp danh Tâm Nguyên Đức, pháp tự Chân Biện Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Sen Vàng. Là đệ tử thứ 616 của Sư Ông Làng Mai. Sư cô Biện Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.

Biển Khổ Thuyền Đi Cứu Độ Người (sách) Một cuốn sách trích đăng các bài viết của Thầy Làng Mai từ các Lá Thư Làng Mai, giảng về nghi thức cúng thí thực cô hồn, được in ở Việt Nam năm 1999.
Biểu Nghiêm (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, quốc tịch Việt Nam, sinh năm 1982, tập sự xuất gia năm 2007 (25 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 17 tháng 2 năm 2008 (26 tuổi) tại tu viện Bát Nhã, pháp danh Tâm Đức Hiếu, pháp tự Chân Biểu Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Lê. Là đệ tử thứ 486 của Sư Ông Làng Mai. Sư cô Biểu Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.

Bình đẳng trước đau thương (thuật ngữ) Phương châm thực tập của Sư Ông và tăng đoàn Làng Mai trong các đại trai đàn bình đẳng giải oan được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm viếng và hành đạo tại quê hương Việt Nam năm 2007. Tăng thân Làng Mai muốn cầu nguyện cho tất cả mọi người, nghĩa là không những cho người Cộng sản mà cho cả người Quốc gia, dù họ không phải là Cộng sản, dù họ không chống Mỹ, dù họ đi theo một chiều hướng ý thức hệ khác, dù họ không giữ được chính quyền của họ, họ vẫn là người Việt Nam; họ cũng đã tranh đấu cho đất nước và dân tộc của họ theo cách thức và nhận thức của họ. Và những đau thương oan ức của tất cả những ai đã ngã xuống trong cuộc chiến đều được công nhận. Bình đẳng ở đây có nghĩa là người Nam cũng là người Việt như người Bắc, người Công giáo cũng là người Việt như người Phật giáo, người không cộng sản cũng là người Việt như người cộng sản.

Bình Nghiêm (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, quốc tịch Canada, sinh năm 1968, tập sự xuất gia năm 2008 (40 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 20 tháng 09 năm 2008 (40 tuổi) tại Chùa Pháp Vân – Làng Mai, pháp danh Tâm Đạt Nguyện, pháp tự Chân Bình Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Sen Trắng. Là đệ tử thứ 547 của Sư Ông Làng Mai. Sư cô Bình Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.

Bình thơ đêm giao thừa (sinh hoạt) Đêm giao thừa, thay cho bài pháp thoại như thường lệ, Thầy Làng Mai bình thơ. Đại chúng ngồi quây quần quanh Sư Ông, không khí rất thân mật ấm cúng khác hẳn với sự nghiêm trang trong những buổi pháp thoại hàng tuần. Một số qúy thầy và sư cô có giọng ngâm hay thường ngồi gần Sư Ông hơn để ngâm những câu thơ mà Sư Ông bình giảng.

Bói Kiều (pháp môn) Một pháp môn thực tập và nuôi dưỡng trong ba ngày Tết của Làng Mai, sử dụng Phật học, thi ca và tâm lý trị liệu để quán chiếu hiện tại và tương lai. Pháp môn này chắc chắn sẽ thành công lớn như pháp môn Bông Hồng Cài Áo. Nguyên tắc thực tập bói Kiều: Bói Kiều là tham khảo ý kiến cụ Nguyễn Du, ni sư Giác Duyên và đạo cô Tam Hợp về tình trạng hiện tại của mình và để biết cách tu tập và tiếp xử như thế nào cho có hạnh phúc và thành công trong năm tới. Tại Làng Mai, ai bói Kiều cũng tấm tắc khen là linh nghiệm. Nghệ thuật đoán quẻ Kiều: Muốn tham vấn, phải tới trước bàn thờ Phật và bàn thờ Tổ để lạy ba lạy thật cung kính, rồi ngồi xuống, đặt tay vào thành chuông, thở vào và thở ra ba lần rất chánh niệm rồi đưa tay vào chuông bốc lên một quẻ. Cụ Nguyễn Du cũng như ni sư Giác Duyên đều là tổ tiên tâm linh của tất cả chúng ta. Quẻ bốc được sẽ được trao cho vị có nhiệm vụ đoán quẻ. Vị này là một người có kiến thức về văn chương,  truyện Kiều, có khả năng nhận xét tâm lý, và nhất là có kiến thức về Phật pháp và kinh nghiệm tu tập. Trong lúc quẻ được một người ngâm lên, mọi người có mặt đều thực tập theo dõi hơi thở (nếu có tiếng đàn phụ họa giọng ngâm thì càng hay). Thời gian này là để vị đoán quẻ chiêm nghiệm. Phương pháp đoán quẻ Kiều: Ở Làng Mai, quý thầy, quý sư cô và quý vị cư sĩ thường đoán quẻ Kiều theo phương pháp sau đây: 1. Trong hai câu lục bát, có thể một câu là nhân và một câu là quả. Quả có thể là đã phát sinh trong hiện tại hay là điều mong ước trong tương lai. Nhân là lời khuyên của cụ Nguyễn Du về cách hành xử và tu tập để chuyển hóa hay thực hiện. 2. Nghĩa lý trong quẻ không cần đi theo nghĩa lý truyện Kiều. (Ví dụ: Câu “Lòng còn gửi áng mây vàng” không hẳn phải giải là đương sự còn tưởng nhớ quê hương mà có thể giải là lý tưởng tu học vẫn còn vững mạnh, bồ đề tâm vẫn còn nguyên vẹn, vì mây vàng ở đây có thể được xem là lý tưởng cao siêu của đạo Bụt, của ánh đạo vàng. Câu “Song thu đã khép cánh ngoài” không chỉ có nghĩa là đóng cửa sổ lại mà còn có nghĩa là đừng để tâm tới những chuyện thế gian, nên tập trung tâm ý vào việc tu học. Cũng như câu “Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân” thì theo tinh thần của Quy Sơn Cảnh Sách là phải nương tựa vào các vị thiện tri thức lớn). 3. Hỏi xem đương sự đã xin tham vấn cụ Nguyễn Du về vấn đề gì để nương vào đó mà đoán quẻ. 4. Có thể tham khảo ý kiến của một vài vị thiện tri thức cùng có mặt để các vị có thể chia sẻ thêm tuệ giác của các vị về quẻ đang được đoán. 5. Quẻ đoán phải có tác dụng an ủi, khuyến khích và soi sáng cho người xin quẻ. 6. Trong giờ bói Kiều nên tập họp cả đại chúng. Mỗi người bói xong nên lạy tạ trước khi trở về chỗ ngồi. Mỗi lời đoán phải là một bài thuyết pháp ngắn cho tất cả đại chúng. Lời khấn nguyện trước khi bốc quẻ Kiều: Người muốn tham vấn sẽ đọc thầm lời khấn nguyện này trong khi đặt tay lên thành chuông và theo dõi hơi thở. “Cầu thi thánh Nguyễn Du; cầu đạo cô Tam Hợp; cầu sư trưởng Giác Duyên; cầu giáng tiên Thúy Kiều. Tôi tên là... Xin tham vấn thi thánh, đạo cô, sư trưởng và giáng tiên về vấn đề...” Gồm có hai trăm mười quẻ sau đây: 1. Thông minh vốn sẵn tính trời. Nhẹ nhàng nghiệp trước, đền bồi duyên sau. 2. Tan sương vừa rạng ngày mai. Trụ trì nghe tiếng vội mời vào trong. 3. Nâu sồng từ trở màu thiền. Mặn khen nét bút càng nhìn càng tươi. 4. Bây giờ rõ mặt đôi ta. Tu là cội phúc, tình là dây oan. 5. Song thu đã khép cánh ngoài. Hay là khổ tận đến ngày cam lai? 6. Bấy lâu mới được một ngày. Ngọn đèn khêu nguyệt, tiếng chày nện sương. 7. Cho hay giọt nước cành dương. Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi. 8. Tấm thân rày đã nhẹ nhàng. Thanh thiên bạch nhật rõ ràng cho coi. 9. Thương sao cho vẹn thì thương. Lòng đây lòng đấy chưa tường hay sao? 10. Thương sao cho vẹn thì thương. Lửa lòng tưới tắt mọi đường trần duyên. 11. Phật tiền ngày bạc lân la. Tương tri dường ấy mới là tương tri. 12. Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân. Đã tin điều trước ắt nhằm việc sau. 13. Đã nguyền hai chữ đồng tâm. Ai lay chẳng chuyển ai rung chẳng rời. 14. Đã nên có nghĩa có nhân. Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung. 15. Đề huề lưng túi gió trăng. Ai lay chẳng chuyển ai rung chẳng rời. 16. Gương trong chẳng chút bụi trần. Thói nhà băng tuyết, chất hằng phỉ phong. 17. Nâu sồng từ trở màu thiền. Tìm đâu thì cũng biết tin rõ ràng. 18. Thương nhau xin nhớ lời nhau. Cơ duyên nào đã hết đâu vội gì? 19. Song hồ nửa khép cánh mây. Hoa chào ngõ hạnh, hương bay dặm phần. 20. Dịp đâu may mắn lạ thường. Sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu dao. 21. Tan sương vừa rạng ngày mai. Hoa chào ngõ hạnh, hương bay dặm phần. 22. Bốn bề bát ngát xa trông. Khỏi rừng lau đã tới sân Phật đường. 23. Một người dễ có mấy thân. Ở đây hoặc có giai âm chăng là. 24. Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân. Trước sau trọn vẹn xa gần ngợi khen. 25. Cùng nhau nương cửa Bồ Đề. Vườn xuân một thửa, để bia muôn đời. 26. Ngày xuân em hãy còn dài. Mừng nào lại quá mừng này nữa chăng? 27. Trùng sinh ân nặng bể trời. Ngày phô thủ tự, đêm nhồi tâm hương. 28. Thiền trà cạn nước hồng mai. Nhờ tay tế độ, vớt người trầm luân. 29. Cùng nhau lạy trước Phật đài. Mừng nào lại quá mừng này nữa chăng? 30. Lời vàng vâng lĩnh ý cao. Trên am cứ giữ hương dầu hôm mai. 31. Trong như tiếng hạc bay qua. Dường gần rừng tía, dường xa bụi hồng. 32. Vầng trăng vằng vặc giữa trời. Nhẹ nhàng nghiệp trước đền bồi duyên sau. 33. Trông người lại ngẫm đến ta. Tu là cội phúc, tình là dây oan. 34. Kiếp tu xưa ví chưa dày. Lòng nào còn tưởng có rày nữa không? 35. Thuyền vừa đỗ bến thảnh thơi. Biết đường khinh trọng, biết lời phải chăng. 36. Một tường tuyết chở sương che. Lời Sư đã dạy ắt thì chẳng sai. 37. Chung quanh vẫn đất nước nhà. Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên. 38. Một lời nói chửa kịp thưa. Trầm bay nhạt khói, gió đưa lay rèm.39. Thông minh vốn sẵn tính trời. Mà trong lẽ phải, có người có ta. 40. Hoa cười ngọc thốt đoan trang. Lòng kia giữ được thường thường mãi không? 41. Vầng trăng vằng vặc giữa trời. Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra. 42. Còn non còn nước còn dài. Non vàng chưa dễ đền bồi tấm thương. 43. Gương trong chẳng chút bụi trần. Sen vàng lãng đãng như gần như xa. 44. Khi hương sớm khi trà trưa. Gió trăng mát mặt muối dưa chay lòng. 45. Gửi thân được chốn am mây. Dừng chân gạn chút niềm tây gọi là. 46. Trong cơ thanh khí tương tầm. Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân. 47. Gìn vàng giữ ngọc cho hay. Ngọn đèn khêu nguyệt, tiếng chày nện sương. 48. Gửi thân được chốn am mây. Tấc riêng như cất gánh đầy đổ đi. 49. So dần giây vũ giây văn. Hương đèn việc cũ, trai phòng quen tay. 50. Tiếng sen sẽ động giấc hòe. Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần. 51. Phong sương được vẻ thiên nhiên. Khói trầm cao thấp, tiếng huyền gần xa. 52. Nạn xưa trút sạch làu làu. Mười phần ta đã tin nhau cả mười. 53. Được lời như cởi tấm lòng. Đã tin điều trước ắt nhằm việc sau. 54. Long lanh đáy nước in trời. Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông. 55. Tạ lòng lạy trước sân mây. Muối dưa đắp đổi tháng ngày thong dong. 56. Nghe tường ngành ngọn tiêu hao. Giác Duyên đâu bỗng tìm vào tới nơi. 57. Nẻo xa mới tỏ mặt người. Duyên ta mà cũng phúc trời chi không. 58. Giật mình thoắt tỉnh giấc mai. Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ. 59. Dẫu rằng vật đổi sao dời. Còn vầng trăng bạc, còn lời nguyền xưa. 60. Những là rày ước mai ao. Dưới dày có đất trên cao có trời. 61. Lấy tình thâm trả nghĩa thâm. Một lời quyết hẳn muôn phần kính thêm. 62. Nghe tin nở mặt nở mày. Hoa chào ngõ hạnh hương bay dặm phần. 63. Trùng sinh ân nặng biển trời. Tái sinh trần tạ ơn người từ bi. 64. Áo xanh đổi lấy cà sa. Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. 65. Khen cho con mắt tinh đời. Non vàng chưa dễ đền bồi tấm thương. 66. Cửa sài vừa ngỏ then hoa. Nhớ lời nói những bao giờ hay không? 67. Sớm khuya lá bối phướn mây. Đi về này những lối này năm xưa. 68. Gửi thân được chốn am mây. Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ. 69. Sẵn Quan Âm Các vườn ta. Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao. 70. Thân ta, ta phải lo âu. Cơ duyên nào đã hết đâu, vội gì? 71. Sư rằng: Song chẳng hề chi. Thảo am đó cũng gần kề chẳng xa. 72. Cho hay giọt nước cành dương. Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu. 73. Mấy lời tâm phúc ruột rà. Từng cay đắng lại mặn mà hơn xưa. 74. Đã gần chi có điều xa. Tu là cội phúc tình là dây oan. 75. Lòng còn gửi áng mây vàng. Thênh thênh đường cái thanh vân hẹp gì! 76. Lạ gì thanh khí lẽ hằng. Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi. 77. Nghe tường ngành ngọn tiêu hao. Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành. 78. Trước sau cho vẹn một lời. Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông. 79. Thửa công đức ấy ai bằng. Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi? 80. Năm mây bỗng thấy chiếu trời. Nào lời non nước, nào lời sắt son. 81. Sao cho muôn dặm một nhà. Mười lăm năm mới bây giờ là đây! 82. Gió quang mây tạnh thảnh thơi. Bể oan dường đã vơi vơi cạnh lòng. 83. Một lòng chẳng quản mấy công. Triều dâng hôm sớm mây lồng trước sau. 84. Giật mình thoắt tỉnh giấc mai. Còn vầng trăng bạc còn lời nguyền xưa. 85. Kệ kinh câu cũ thuộc lòng. Tấn Dương được thấy mây rồng có phen. 86. Thấy màu ăn mặc nâu sồng. Giá đành tú khẩu cẩm tâm khác thường. 87. Trời đông vừa rạng ngàn dâu. Duyên xưa chưa dễ biết đâu chốn này. 88. Thiền trà cạn nước hồng mai. Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra. 89. Gác kinh viện sách đôi nơi. Biết đường khinh trọng, biết lời phải chăng. 90. Được lời như mở tấc son. Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông. 91. Thương nhau xin nhớ lời nhau. Vào luồn ra cúi công hầu mà chi? 92. Huệ lan sực nức một nhà. Có cây trăm thước có hoa bốn mùa. 93. Chở che đùm bọc thiếu chi. Vườn xuân một thửa để bia muôn đời. 94. Khi gió gác khi trăng sân. Thênh thênh đường cái thanh vân hẹp gì? 95. Tình sâu mong trả nghĩa dày. Muối dưa đắp đổi tháng ngày thong dong. 96. Lấy trong ý tứ mà suy. Sao cho thoát khỏi nữ nhi thường tình. 97. Rằng trong ngọc đá vàng thau. Dạy đem pháp bảo sang hầu sư huynh. 98. Khúc đâu đầm ấm dương hòa. Câu thần lại mượn bút hoa vẽ vời. 99. Công tư vẹn cả hai bề. Chuyện muôn năm cũ kể chi bây giờ? 100. Gương trong chẳng chút bụi trần. Một nhà ai cũng lạ lùng khen lao. 101. Trời còn để có hôm nay. Của tin gọi một chút này làm ghi. 102. Trùng sinh ân nặng bể trời. Mà lòng trọng nghĩa khinh tài xiết bao! 103. Sự đời đã tắt lửa lòng. Sen vàng lãng đãng như gần như xa. 104. Những là sen ngó đào tơ. Mầu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng. 105. Mùi thiền đã bén muối dưa. Gà vừa gáy sáng, trời vừa rạng đông. 106. Nhớ lời lập một am mây. Ở trong dường có hương bay ít nhiều. 107. Gửi thân được chốn am mây. Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời. 108. Bây giờ tình mới tỏ tình. Thôi thì dẹp nỗi bất bình là xong. 109. Chở che đùm bọc thiếu chi. Lời sư đã dạy ắt thì chẳng sai. 110. Tình xưa ơn trả nghĩa đền. Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông. 111. Bởi lòng tạc đá ghi vàng. Sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu dao. 112. Cửa trời rộng mở đường mây. Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm. 113. Vội về sửa chốn vườn hoa. Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. 114. Nạn xưa trút sạch làu làu. Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy? 115. Bốn bề bát ngát mênh mông. Khấu đầu lạy tạ cao thâm nghìn trùng. 116. Thấy nhau mừng rỡ trăm bề. Thảo am đó cũng gần kề chẳng xa. 117. Đã nguyền hai chữ đồng tâm. Trước sau trọn vẹn, xa gần ngợi khen. 118. Độ sinh nhờ đức cao dày. Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời. 119. Rằng trong tác hợp cơ trời. Mà trong lẽ phải có người có ta! 120. Còn non còn nước còn dài. Dẫu mòn bia đá dám sai tấc lòng. 121. Trong như tiếng hạc bay qua. Từng cay đắng lại mặn mà hơn xưa. 122. Một lòng chẳng quản mấy công. Ở đây cửa Phật là không hẹp gì. 123. Song thu đã khép cánh ngoài. Nhờ tay tế độ vớt người trầm luân. 124. Vầng trăng vằng vặc giữa trời. Anh hùng đoán giữa trần ai mới già! 125. Thương sao cho vẹn thì thương. Đem lời phương tiện mở đường hiếu sinh. 126. Mấy lời tâm phúc ruột rà. Tương tri dường ấy mới là tương tri! 127. Đến bây giờ mới thấy đây. Mà lòng đã chắc những ngày một hai. 128. Nỗi mừng biết lấy chi cân. Tuyết sương che chở cho thân cát đằng. 129. Có người khách ở viễn phương. Lửa lòng tưới tắt mọi đường trần duyên. 130. Cỏ non xanh tận chân trời. Nhẹ nhàng nghiệp trước đền bồi duyên sau. 131. Những là nấn ná đợi tin. Tỉnh ra mới biết là mình chiêm bao. 132. Gác kinh viện sách đôi nơi. Nào lời non nước, nào lời sắt son. 133. Chút riêng chọn đá thử vàng. Thân này đã dễ mấy lần gặp tiên? 134. Giọt rồng canh đã điểm ba. Có dung kẻ dưới mới là lượng trên. 135. Thương nhau xin nhớ lời nhau. Biết đâu ấm lạnh biết đâu ngọt bùi. 136. Rằng trong ngọc đá vàng thau. Cười rằng: Tri kỷ trước sau mấy người! 137. Chút riêng chọn đá thử vàng. Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu? 138. Tấm thân rày đã nhẹ nhàng. Lòng đây lòng đấy chưa tường hay sao? 139. Cùng trong một tiếng tơ đồng. Đã tin điều trước ắt nhằm việc sau. 140. Long lanh đáy nước in trời. Thấy trăng mà thẹn những lời non sông. 141. Hoàng lương chợt tỉnh giấc mai. Trên đầu có bóng mặt trời rạng soi. 142. Lấy tình thâm trả nghĩa thâm. Nước non để chữ tương phùng kiếp sau. 143. Chắc rằng mai trúc lại vầy. Tấc riêng như cất gánh đầy đổ đi. 144. Dưới đèn sẵn bức tiên hoa. Một mầu quan tái bốn mùa gió trăng. 145. Nghĩ đi nghĩ lại quanh co. Tấm son gột rửa bao giờ cho phai. 146. Tình sâu mong trả nghĩa dầy. Chọn người tri kỷ một ngày được chăng? 147. Sẵn sàng tề chỉnh uy nghi. Tấm riêng riêng những nặng vì nước non. 148. Bấy lâu khăng khít giải đồng. Biển trầm luân lấp cho bằng mới thôi. 149. Khi gió gác khi trăng sân. Hoa xuân đương nhị ngày xuân còn dài. 150. Đêm xuân một giấc mơ màng. Làm chi lỡ nhịp cho đàn ngang cung. 151. Thương vì hạnh trọng vì tài. Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm. 152. Công tư hai lẽ đều xong. Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia. 153. Được lời như thế là may. Cành kia chẳng phải cội này mà ra? 154. Thân ta ta phải lo âu. Bỗng đâu mua não chuốc sầu nghĩ nao? 155. Chở che đùm bọc thiếu chi. Năm nay là một, nữa thì năm năm. 156. Phím đàn dìu dặt tay tiên. Hoa nô kia với Trạc Tuyền cũng tôi. 157. Thiện căn ở tại lòng ta. Tương tri dường ấy mới là tương tri. 158. Gương trong chẳng chút bụi trần. Khấu đầu lạy tạ cao thâm nghìn trùng. 159. Kệ kinh câu cũ thuộc lòng. Triều dâng hôm sớm, mây lồng trước sau. 160. Một nhà sum hợp sớm trưa. Trầm bay nhạt khói, gió đưa lay rèm. 161. Bốn bề bát ngát mênh mông. Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi? 162. Đội trời đạp đất ở đời. Biết đường khinh trọng, biết lời phải chăng. 163. Độ sinh nhờ đức cao dày. Cành kia chẳng phải cội này mà ra? 164. Chở che đùm bọc thiếu chi. Tấm riêng riêng những nặng vì nước non. 165. Giật mình thoắt tỉnh giấc mai. Rằng không thì cũng vâng lời rằng không. 166. Lòng riêng riêng những kính yêu. Những điều vàng đá phải điều nói không. 167. Cửa thiền then nhặt lưới mau. Dạy đem pháp bảo sang hầu sư huynh. 168. Cho hay giọt nước cành dương. Vương sư dòm đã tỏ tường thực hư. 169. Gác kinh viện sách đôi nơi. Non vàng chưa dễ đền bồi tấm thương. 170. Nâu sồng từ trở màu thiền. Dạn dày cho biết gan liền tướng quân. 171. Tình xưa ân trả nghĩa đền. Sân thu trăng đã vài phen đứng đầu. 172. Thương sao cho vẹn thì thương. Lửa lòng tưới tắt mọi đường trần duyên. 173. Thấy màu ăn mặc nâu sồng. Ở đây cửa Phật là không hẹp gì. 174. Tàng tàng trời mới bình minh. Chuông vàng khánh bạc bên mình giở ra. 175. Gửi thân được chốn am mây. Ngọn đèn khêu nguyệt, tiếng chày nện sương. 176. Mai cốt cách tuyết tinh thần. Khấu đầu lạy tạ cao thâm nghìn trùng. 177. Sư đà hái thuốc phương xa. Gia đồng vào gởi thư nhà mới sang. 178. Bẻ lau vạch cỏ tìm đi. Sự muôn năm cũ kể chi bây giờ. 179. Sự đời đã tắt lửa lòng. Khéo thay gặp gỡ cũng trong chuyển vần. 180. Người sao hiếu nghĩa đủ đường. Này thôi hết kiếp đoạn trường là đây. 181. Ấy mới gan ấy mới tài. Thong dong nối gót thư trai cùng về. 182. Dịp đâu may mắn lạ dường. Đóa trà mi đã ngậm gương nửa vành. 183. Dưới trăng quyên đã gọi hè. Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương. 184. Dẫu rằng sông cạn đá mòn. Lòng nào mà nỡ dứt lòng cho đang. 185. Gọi là trả chút nghĩa người. Dẫu trong nguy hiểm dám dời ước xưa. 186. Khi nên trời cũng chiều người. Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông. 187. Còn nhiều hưởng thụ về lâu. Biết đâu ấm lạnh biết đâu ngọt bùi. 188. Non quê thuần vược bén mùi. Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông. 189. Vậy nên những chốn thong dong. Đốt lò hương giở phím đồng ngày xưa. 190. Khi ăn ở lúc ra vào. Mừng mừng tủi tủi xiết bao là tình. 191. Bây giờ mới rõ tăm hơi. Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm. 192. Lầu mai vừa rúc còi sương. Trông ra ác đã ngậm gương non đoài. 193. Xem qua sư mới dạy qua. Ấy là tình nặng ấy là ơn sâu. 194. Lại đây xem lại cho gần. Bóng hoa đầy đất vẻ ngân ngang trời. 195. Chùa đâu trông thấy nẻo xa. Có dung kẻ dưới mới là lượng trên. 196. Ở ăn thì nết cũng hay. Hẳn rằng mai có như vầy cho chăng. 197. Khi ăn ở lúc ra vào. Xưa sao sầu thảm nay sao vui vầy? 198. Một phen tri kỷ cùng nhau. Cơ duyên nào đã hết đâu vội gì. 199. Một tay gây dựng cơ đồ. Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên. 200. Ai ngờ lại họp một nhà. Một thiên tuyệt bút gọi là để sau.  201. Đường đường một đấng anh hào. Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành! 202. Thấy nhau mừng rỡ trăm bề. Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân. 203. Trong tay mười vạn tinh binh. Quy sư, quy Phật tu hành bấy lâu. 204. Gạn gùng ngọn hỏi ngành tra. Mây bay hạc lánh biết là tìm đâu? 205. Cửa chiền vừa cữ cuối xuân. Tạ từ thoắt đã dời chân cõi ngoài. 206. Thuyền vừa đỗ bến thảnh thơi. Tìm hoa quá bước xem người viết kinh. 207. Nghĩ cho khi gác viết kinh. Thôi thì dẹp nỗi bất bình là xong. 208. Nghe lời khuyên nhủ thong dong. Thế nào cũng chẳng giấu xong được nào. 209. Thấy lời thủng thỉnh như chơi. Nhờ tay tế độ vớt người trầm luân. 210. Gió quang mây tạnh thảnh thơi. Có người đàn việt lên chơi cửa già.

Bồ Tát Tại Gia, Bồ Tát Xuất Gia (sách) Một cuốn sách của Thầy Làng Mai, bình giảng kinh Duy Ma Cật, do nhà Lá Bối, Hoa Kỳ xuất bản năm 2002 và in tại Việt Nam cũng năm 2002.

Bối Nghiêm (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, quốc tịch Việt Nam, sinh năm 1984, tập sự xuất gia năm 2002 (18 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 07 tháng 07 năm 2003 (19 tuổi) tại chùa Đình Quán - Hà Nội, pháp danh Tâm Quảng Dũng, pháp tự Chân Bối Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Vô Ưu. Thọ giới Thức Xoa Ma Na năm 2005 trong đại giới đàn Cổ Pháp. Thọ giới lớn ngày 18 tháng 12 năm 2006 trong đại giới đàn Văn Lang. Là đệ tử thứ 190 của Sư Ông Làng Mai. Sư cô Bối Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.

Bồi đắp gốc rễ, khai thông suối nguồn (thuật ngữ, câu đối) 1. Tiêu chuẩn thực tập của phái đoàn Phật giáo quốc tế Làng Mai trong chuyến thăm viếng và hành đạo tại Việt Nam năm 2007, bắt đầu từ ngày 19 tháng 02 năm 2007. Phái đoàn gồm có 50 vị xuất gia và 100 vị cư sĩ. Chương  trình viếng thăm và hành đạo gồm có các thành phố Hồ Chí Minh, Bảo Lộc, Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế và Hà Nội. Ba trai đàn chẩn tế gọi là Đại Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan được tổ chức tại các chùa Vĩnh Nghiêm, Diệu Đế và Học Viện Phật Giáo Sóc Sơn để cầu nguyện cho tất cả nạn nhân chiến tranh, không phân biệt tôn giáo và chánh kiến (xem Thủy Lục Giải Oan Bình Đẳng Cứu Bạt Trai Đàn). 2. Câu đối đón xuân Đinh Hợi 2007 cho các chùa, các tu viện thuộc Làng Mai và các trung tâm tu tập pháp môn Làng Mai trên thế giới. 3. Chủ đề của khóa An Cư Kiết Đông 2006-2007 tại Làng Mai và các tu viện thuộc Làng Mai.

Bội Nghiêm (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, quốc tịch Mỹ, sinh năm 1983, tập sự xuất gia năm 2004 (21 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 7 tháng 8 năm 2005 (22 tuổi) tại Chùa Pháp Vân – Làng Mai, pháp danh Tâm Nguyên Phúc, pháp tự Chân Bội Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Hướng Dương. Thọ giới Thức xoa ma na năm 2008 tại Làng Mai trong đại giới đàn Thanh Lương Địa. Thọ giới lớn ngày 12 tháng 01 năm 2009 tại Làng Mai trong đại giới đàn Mùa Sen Mới. Là đệ tử thứ 256 của Sư Ông Làng Mai. Sư cô Bội Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.

Bốn câu linh chú (pháp số, phép tu) Bốn câu nói trong chánh niệm có công năng tạo dựng hạnh phúc cho mình và cho những người mình thương yêu. Câu linh chú thứ nhất: Anh biết em (chị, cha, mẹ v.v…) đang có mặt đó nên anh rất hạnh phúc (I know you are there and I am very happy). Câu thứ hai: Anh đang có mặt cho em đây (I am here for you). Câu thứ ba: Anh biết em đang khổ, đang có khó khăn, cho nên anh đang có mặt cho em đây (I know you suffer, that’s why I am here for you). Câu thứ tư: Anh đang khổ, em hãy giúp anh (Darling, I suffer, please help me). Muốn cho bốn câu linh chú có hiệu nghiệm, ta phải thực sự có mặt, ta phải thực sự có niệm, định và tuệ.

Bốn phép tùy niệm (pháp số, bài tụng)  1. Niệm Bụt, niệm Pháp, niệm Tăng và niệm Giới. 2. Bài tụng do Thầy Làng Mai viết lời, có trong sách Nhật Tụng Thiền Môn năm 2000 và Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn.

Bốn quả (pháp số) Bốn quả vị tu tập của Làng Mai. 1. Quả an trú, tiếng Anh là peaceful dwelling. Hành giả đạt được quả này là người bắt đầu có khả năng sống an lạc trong giờ phút hiện tại. Thầy Làng Mai lấy hình ảnh một con cóc ngồi trên đĩa để minh họa cho quả vị này. Khi ta đặt một con cóc vào giữa một chiếc đĩa, nó thường không có khả năng ngồi yên trong lòng chiếc đĩa, mà luôn tìm cách nhảy ra khỏi đĩa, được gọi là “cóc tính”. Trái nghĩa với “cóc tính” là “phi cóc tính”. Đạt được quả vị an trú là đạt được trạng thái “phi cóc tính”, không còn nhảy lăng xăng nữa. 2. Quả đã về đã tới, tiếng Anh là I have arrived, I am home. Theo giáo lý Làng Mai, giây phút hiện tại chính là quê hương của chúng ta. Chúng ta thực tập sống chánh niệm, sống trong hiện tại, trở về giây phút hiện tại như đứa con đi xa được trở về ngôi nhà thân yêu, về quê hương của mình. 3. Quả Tương tức, tiếng Anh là inter-being. Là kết quả của sự thực tập vô ngã. Khi đó, hành giả thấy được tất cả mọi sự vật, hiện tượng, kể cả cái “ta” của mình đều không có tự tính riêng biệt mà nương vào nhau để biểu hiện. 4. Quả vô sinh, tiếng Anh là birthlessness. Đạt được quả vị này, hành giả thấy được bản chất không sinh không diệt, không có không không của vạn pháp và tiếp xúc được với Niết bàn ngay trong giờ phút hiện tại. Những ai đạt tới khả năng này được Bụt gọi là “Việc cần làm đã làm”.

Bông Hồng Cài Áo (sách, lễ lược)
  1. Một đoản văn viết về tình Mẹ của Thầy Làng Mai, xuất bản lần đầu năm 1962 tại Việt Nam, sau đó được dịch ra nhiều thứ tiếng và tái bản rất nhiều lần bởi các chùa và các cơ sở Phật Giáo trong nước cũng như ở nước ngoài. Bản dịch tiếng Anh có tựa đề A Rose For Your Pocket. Sách này đã là nguồn cảm hứng tạo thành truyền thống Bông Hồng Cài Áo tại Việt Nam, bắt đầu bằng đoàn sinh viên Phật tử Sài Gòn vào năm 1962. Bông Hồng Cài Áo được xem như bông hoa đầu của sự tu chứng của Thầy, nói lên được ý thức sáng tỏ (tức là chánh niệm) về những điều kiện hạnh phúc mình đang có và cần được trân quý. Những tác phẩm đi sau như Bướm Bay Vườn Cải Hoa Vàng hay Trường Ca Avril đều là sự nối tiếp của Bông Hồng Cài Áo. Tác phẩm Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức là tác phẩm trình bày tuệ giác này một cách hệ thống hóa. (Xem bài phỏng vấn của báo Giác Ngộ về tác phẩm Bông Hồng Cài Áo).
  2. Một lễ hội của Làng Mai thường được tổ chức trong khóa tu mùa hè cho tất cả các bạn thiền sinh về tham dự khóa tu. Lễ hội là dịp để mọi người cùng tưởng nhớ về công ơn cha mẹ. Nghi thức của buổi lễ có trong sách Nghi thức tụng niệm đại toàn. Bài phỏng vấn của Báo Giác Ngộ với Sư Ông Làng Mai về tác phẩm Bông Hồng Cài Áo cho ta biết thêm rất nhiều chi tiết.
    1. Được biết, sau khi tác phẩm ra đời, Thiền sư đã phát động phong trào cài hoa hồng để tưởng niệm về công ơn mẹ. Xin Thiền sư cho biết lần đầu tiên phong trào này được phát động là vào mùa Vu Lan năm nào, tại đâu; Thiền sư có gặp sự trở ngại nào chăng khi đưa ra một nét văn hóa tuy đẹp đẽ song cũng rất mới lạ này?

      Thiền sư Nhất Hạnh (TSNH): Tôi không hề có ý định phát động phong trào Cài Hoa Hồng để tưởng niệm về công ơn mẹ. Phong trào ấy tự động phát khởi một cách tự nhiên mà thôi. Điều đó cũng làm cho tôi ngạc nhiên. Hồi đó, năm 1962, sau chín tháng nghiên cứu về khoa Tỷ Giáo Tôn Giáo tại Princeton University, tôi về nghỉ hè tại Camp Ockanickon ở Medford thuộc tiểu bang New Jersey Hoa Kỳ. Ban ngày tôi chơi và nói chuyện với thanh thiếu niên về Văn Hóa Việt Nam và đi chèo thuyền trên hồ, ban đêm tôi viết văn. Tôi đã viết đoản văn Bông Hồng Cài Áo trong một căn lều gỗ người trẻ dành cho tôi. Viết xong tôi gửi cho các vị đệ tử của tôi trong đoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn do tôi hướng dẫn . Bài này gửi qua chị Trương thị Nhiên. Chị Nhiên và đoàn Sinh Viên Phật Tử đọc xong rất cảm động nên quyết định đem chia sẻ cho mọi người. Họ bàn nhau chép tay ba trăm bản làm quà tặng cho những bạn bè của họ trong các phân khoa Đại Học Sài Gòn. Mỗi bản chép tay đều có gắn thêm một chiếc hoa màu hồng cho người còn mẹ hay màu trắng cho người mất mẹ. Rằm tháng bảy năm ấy họ họp nhau lại tại Chùa Xá Lợi, làm Lễ Bông Hồng Cài Áo lần đầu tiên. Anh Tôn Thất Chiểu, một thành viên của đoàn Sinh Viên Phật Tử đã gửi một bản cho Hòa Thượng Thích Đức Tâm, hồi đó đang làm chủ bút cho nguyệt san Liên Hoa của Giáo Hội Tăng Già Trung Phần. Tập San Liên Hoa đã đăng nguyên bài dưới tựa đề là Nhìn Kỹ Mẹ. Hòa Thượng Trí Thủ, bổn sư của Hòa Thượng Đức Tâm, đọc được đoản văn trên nguyệt san Liên Hoa đã khóc vì cảm động. Sau đó Bông Hồng Cài Áo được in ra nhiều lần, một số các chùa bắt đầu tổ chức Lễ Bông Hồng Cài Áo. Từ đó, Lễ Bông Hồng Cài Áo đã trở thành một truyền thống. Tôi không nghĩ là đã có những trở ngại trong khi phong trào được lan rộng. Năm 1964, nhà xuất bản Lá Bối ra mắt độc giả bằng quyển Bông Hồng Cài Áo, in khổ ốm dài để có thể bỏ vào bì thư gửi tặng bạn bè trong ngày Vu Lan. Quyển sách nhỏ này đã phải tái bản nhiều lần. Năm 1965 đoàn Cải Lương Thanh Nga đã dựng và trình diễn vở tuồng Bông Hồng Cài Áo và có mời tôi tham dự.Tại trong nước cũng như tại ngoại quốc, đoản văn Bông Hồng Cài Áo đã được dịch và in ra nhiều thứ tiếng trong đó có tiếng Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Trung Hoa, Nga, Thái Lan và tiếng Lào.
    2. Theo Thiền sư, giữa Ngày lễ của Mẹ trong văn hóa Nhật và ngày Vu Lan Báo hiếu trong văn hóa Việt Nam có những nét tương đồng và khác biệt nào?

      TSNH: Lễ Bông Hồng Cài Áo tổ chức tại Làng Mai mỗi mùa Hè kể từ năm 1983 đã làm theo tinh thần Việt Nam, khác truyền thống Nhật. Lễ này không những để vinh danh người Mẹ mà cũng để tưởng nhớ và vinh danh người Cha nữa. Mỗi người được cài hai chiếc hoa hồng, một dành cho Mẹ và một dành cho Cha. Chiếc hoa dành cho Cha nằm hơi cao lên một chút để phân biệt với hoa cho Mẹ. Và anh sẽ cài một hoa hồng cho Cha khi Cha còn sống, một hoa hồng cho Mẹ khi Mẹ còn sống.
    3. Không ít người thắc mắc tại sao Thiền sư lại chọn hoa hồng mà không phải là loài hoa nào khác? Phải chăng đơn thuần chỉ vì hoa hồng là loài hoa biểu trưng cho tình yêu?

      TSNH: Mình nên hiểu chữ hồng trong bông hồng là đỏ. Cài hoa hồng thì cài hoa hồng đỏ. Cài hoa khác như hoa cẩm chướng thì cẩm chướng màu cũng đỏ, không nhất thiết là phải có hoa hồng (rose).Và khi Mẹ không còn, Cha không còn thì được cài hoa trắng. Các đệ tử người Hoa của tôi khi làm lễ Bông Hồng Cài Áo đầu tiên tại Đài Loan năm 1995 thì họ dùng hoa cẩm chướng màu đỏ và trắng cho buổi Lễ Cài Hoa tưởng nhớ Mẹ Cha. Mẹ Cha còn thì cài hoa cẩm chướng màu hồng. Mẹ Cha mất thì cài hoa cẩm chướng màu trắng. Bất cứ hoa gì cũng được kể cả hoa lan.
    4. Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã phổ nhạc thành công ca khúc Bông Hồng Cài Áo từ bài văn của Thiền sư, góp phần đưa nghi thức cài hoa hồng vào sâu trong đời sống văn hóa dân tộc. Xin Thiền sư cho biết cảm nhận của mình khi nghe bài hát ấy - lần đầu tiên cũng như bây giờ?

      TSNH: Phạm Thế Mỹ làm bài Bông Hồng Cài Áo rất dễ dàng và tự nhiên như thở vào thở ra , tự nhiên như bước chân đi dạo, tự nhiên như khi nâng chén trà lên uống. Tôi không thấy tôi và nhạc sĩ là hai người khác nhau khi nghe ca khúc Bông Hồng Cài Áo, trước kia cũng vậy và bây giờ cũng vậy.
    5. Là một người rất quan tâm đến giới trẻ Việt Nam nói riêng và giới trẻ trên toàn thế giới nói chung, Thiền sư có nhắn nhủ điều gì với các bạn trẻ nhân mùa Vu lan PL.2550 năm nay?

      TSNH: Ngày Lễ Bông Hồng Cài Áo không phải là chỉ để tưởng nhớ công ơn Mẹ Cha. Các bạn phải biết thực tập nhìn sâu, tức là thực tập thiền quán trong ngày ấy. Phải thấy được những tài năng, đức hạnh và nét đẹp nào mà mình đã tiếp nhận từ Cha và từ Mẹ. Rồi thấy được Cha và Mẹ không phải là những thực tại có ngoài mình mà đang có ngay trong mình. Mình là sự tiếp nối của Cha, mình là sự tiếp nối của Mẹ. Và mình mang Mẹ mang Cha đi về tương lai. Phải biết mỉm cười cho Mẹ, thở cho Cha và bước đi cho cả hai. Sự tiếp nối đẹp đẽ của Cha Mẹ nơi mình là biểu hiện cụ thể nhất cho lòng Hiếu.Nếu bạn lỡ có những khó khăn với Cha hay Mẹ thì đừng nghĩ cạn là Mẹ không thương, Cha không thương. Có thể những vụng về trong quá khứ về phía Cha Mẹ đã tạo ra những lớp khổ đau đè nặng và làm khuất lấp tình thương ấy. Mình biết nếu có gì xảy ra cho mình thì Cha Mẹ sẽ khóc hết nước mắt. Và nếu có gì xảy ra cho Mẹ hay cho Cha thì mình cũng sẽ khóc hết nước mắt. Phải thấy rằng các vị đã có nhiều khổ đau và khó khăn mà chưa đủ khả năng chuyển hóa nên đã tự làm khổ mình và làm khổ lây đến các con. Mình cũng vậy. Mình đã khổ đau vì hiểu lầm, vì bực tức, và do đó đã lỡ nói những lời không dễ thương, có những phản ứng không đẹp đẽ với Cha và với Mẹ.  Bên nào cũng chịu một phần trách nhiệm. Thấy được cái khổ của Cha, của Mẹ, mình tìm cách giúp Cha và giúp Mẹ. Mình phải biết nói lời hối lỗi đã không giúp được Mẹ Cha mà còn làm cho Cha Mẹ khổ đau thêm. Sử dụng pháp lắng nghe và ái ngữ để tái lập được truyền thông, để dựng lại thâm tình, đó là điều mình có thể làm được. Tôi có nhiều vị đệ tử đã làm được việc đó, người Việt cũng như người ngoại quốc.Có những người trẻ dại dột đã đi tự tử. Đó là một hành động tuyệt vọng, nhưng cũng là một hành động trừng phạt. Trừng phạt người đã làm mình khổ, trong trường hợp này, đó là những vị sinh thành ra mình. Ta sinh ra đời để thương yêu, không phải để trừng phạt. Chết như thế là một sự thất bại. Nếu bạn là Phật tử, bạn phải biết giáo pháp đức Thế Tôn có công năng chuyển rác thành hoa, biến phiền não thành bồ đề, dựng lại tình thâm từ xác chết hận thù. Cha Mẹ là Bụt đó, đừng đi tìm Bụt nơi nào khác. Ngày hôm nay bạn nói được câu gì, làm được cử chỉ gì để Mẹ vui, để Cha vui thì làm ngay đi, đừng để tới ngày mai, sợ rằng muộn quá. Đọc Bông Hồng Cài Áo để nhớ điều đó. Tôi chúc bạn một ngày Vu Lan thật ngọt ngào, thật hạnh phúc, thực tập thành công.Nếu bạn được cài bông trắng, nên quán chiếu là Cha hoặc Mẹ vẫn còn trong bạn và có mặt trong từng tế bào của cơ thể bạn. Đưa bàn tay lên nhìn, bạn sẽ thấy bàn tay ấy của bạn mà cũng là bàn tay của Cha, của Mẹ. Trong bàn tay bạn, có bàn tay của Cha, của Mẹ. Bạn hãy đưa bàn tay ấy đặt lên trán và sẽ thấy, đó là bàn tay của Mẹ hay của Cha đang đặt trên trán bạn. Thật là nhiệm mầu.Năm nay Thượng Tọa Đức Nghi ở tu viện Bát Nhã (Bảo Lộc, Lâm Đồng) và các vị cộng sự đang dựng một công trường Bông Hồng Cài Áo nơi khuôn viên tu viện. Nơi công trường sẽ có tượng một bà mẹ Việt Nam đang đứng với hai em bé, một trai và một gái. Bé gái được cài trên áo một bông hồng, bé trai đang hý hửng cầm trên tay một bông hồng khác. Ta hãy tôn vinh Mẹ, tôn vinh Cha trong trái tim. Bụt dạy: Vào thời không có Bụt ra đời thì thờ Cha thờ Mẹ cũng là thờ Bụt. Đây là điều tôi muốn nói với các bạn trẻ ở Việt Nam cũng như trên thế giới.”
Bờ bên kia (thuật ngữ) Bờ giác ngộ, giải thoát, an lạc, hạnh phúc. Cũng là niết bàn. Từ Hán Việt là bỉ ngạn.
Buddha Mind, Buddha Body (sách) Một cuốn sách nguyên bản tiếng Anh của Thầy Làng Mai do nhà Paralax ấn hành năm 2007, nội dung là những bài giảng trong khóa tu dành cho các nhà khoa học thần kinh não bộ và các nhà tâm lý học trị liệu trong khóa tu Khoa học Thần kinh Não Bộ được tổ chức tại Làng Mai từ ngày 20 – 26 tháng 8 năm 2006.

Buddhist Peace Work, Creating Cultures of Peace (sách) Một cuốn sách nguyên bản tiếng Anh gồm nhiều tác giả trong đó có bài viết của Thầy Làng Mai với tựa đề ‘Ahimsa: The Path of Harmlessness’. (Ahimsa - con đường bất bạo động). Nhà Wisdom Publications xuất bản lần thứ nhất năm 1999.

Buổi họp hạnh phúc (sinh hoạt, pháp môn) Những buổi họp hàng tuần của chúng tỳ khưu, tỳ khưu ni, chúng sa di, sa di ni, chúng tiếp hiện, chúng cận sự, v.v... để xây dựng tình huynh đệ và để đi tới những cải cách hay những sinh hoạt nhằm làm gia tăng hạnh phúc trong tăng thân.

Buông bỏ và phát lộ (giới điều) Ba mươi hai giới của 250 giới khất sĩ, bốn mươi giới của 348 giới khất sĩ nữ, giới bản tân tu. Vị tỳ khưu (tỳ khưu ni) nào phạm vào một trong những giới này, muốn được thanh tịnh trở lại, phải tới trình bày vật dụng hoặc ngân khoản cần được buông bỏ, giao trả cho tăng thân và sám hối trước sự có mặt của ít nhất là hai vị đại diện của tăng thân. Các hiện vật cần buông bỏ gồm có thuốc hút, các chất ma túy, sách tiểu thuyết tình cảm, tiểu thuyết kiếm hiệp, phim truyện, băng hình, nhạc và trò chơi điện tử của thế tục, máy vô tuyến truyền hình riêng, vàng bạc ngân khoản riêng, v.v… Buông bỏ và phát lộ, tiếng Anh là Release and Expression of Regrets Offenses, dịch từ tiếng Phạn Payantika, tức Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề.

Búp Sen (điện đường) Một thiền đường thuộc đạo tràng Thanh Sơn, tu viện Rừng Phong.

Bụt (danh từ phật học) Bụt là một con người, nhờ thực tập niệm, định và tuệ, con người ấy đạt tới một cái thấy rất sâu và một tình thương rất rộng. Nhờ đó vượt thắng được những lo lắng, sợ hãi, khổ đau và sống an lạc với chính mình và với mọi loài. Các loài khác, kể cả động vật, thực vật và khoáng vật đều có Phật tính.

Bụt là lá chín (thuật ngữ) Lá chín là lá đỏ, lá thắm, vì lá cây cũng chín như trái cây. Một tờ lá chín cũng đẹp như một bông hoa, nhà văn Pháp Albert Camus nói: ‘Mùa thu, mỗi chiếc lá là mỗi bông hoa’. Bụt là lá chín là một câu trong bài hát Đây là tịnh độ.

Bụt là vầng trăng mát (bài hát)  Một bài hát do Thầy Làng Mai viết lời và phổ nhạc. Bụt là vầng trăng mát. Đi ngang trời thái không. Hồ tâm chúng sanh lặng. Trăng hiện bóng trong ngần.

Bước chân chánh  niệm (phép tu)  Xem thiền đi.

Bước chân trên thật địa (thuật ngữ) Đi trong chánh niệm, đi mà ý thức được từng bước chân, tiếp xúc với thực tại nhiệm mầu của sự sống trong mỗi bước chân. Vua Trần Thái Tông nói trong sách Khóa Hư Lục: Bộ bộ đạp trước thật địa (bước nào cũng dẫm trên đất đai của thực tại). Khác với khi đi mà không biết mình đi, đi như người mộng du.

Bước thiền hiện rõ quê hương (bài hát) Một bài hát do thầy Chân Pháp Niệm viết lời và phổ nhạc. Tôi đi từng bước nhẹ nhàng. Lòng không vương vấn như làn mây bay. Bước đi an trú phút giây. An nhiên tự tại lòng đầy thảnh thơi. Chung quanh chim hót vang trời. Nghe như chuông đổ nhẹ vơi cõi lòng. Ngàn hoa đua nở nơi nơi. Quê hương hiện rõ ngay trong bước thiền.

Bước Tới Thảnh Thơi (sách) Một cuốn sách về giới luật và uy nghi của các vị sa di (sa di ni) do Hội Đồng Giáo Thọ Đạo Tràng Mai Thôn biên soạn. Nhà Lá Bối, Hoa Kỳ xuất bản lần đầu năm 1996, được dịch ra nhiều thứ tiếng và được tái bản nhiều lần. Bản dịch tiếng Anh tựa đề Stepping Into Freedom. Đây là sách gối đầu giường của các vị sa di và sa di ni, thay thế cho sách Sa Di Luật Nghi Yếu Lược của thiền sư Châu Hoằng, sách Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu của thầy Độc Thể, vốn là những sách giáo khoa cho sa di viết cách đây 400 năm. Sách  này cũng có Quy Sơn Cảnh Sách, một bản dịch của Thầy Làng Mai rất mới và rất dễ đọc. Mười giới sa di có giới tướng rất rõ ràng, đầy đủ, hiện đại và các thiên uy nghi cũng thế.



Bưởi (sách) Một tập truyện ngắn của Thầy Làng Mai do nhà Lá Bối, Châu Âu xuất bản lần đầu năm 1979, gồm các truyện ngắn Tùng, Bưởi và Hồng. Sau này mỗi truyện được dịch ra nhiều thứ tiếng và được tái bản nhiều lần ở Việt Nam và hải ngoại. Tựa đề tiếng Anh của các truyện này là The Pine Gate, The Moon Bamboo và A Lone Pink Fish.

Không có nhận xét nào: