Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

G


Gia Đình Tin Phật (sách) Một cuốn sách của Thầy Làng Mai do nhà xuất bản Đuốc Tuệ, Hà Nội ấn hành năm 1953, họa sĩ Lê Văn Vinh trình bày bìa.

Gia đình xuất gia (thuật ngữ) Danh từ đại chúng Làng Mai dùng để gọi nhóm những vị được xuất gia cùng một đợt. Thầy Làng Mai đặt cho mỗi gia đình một cái tên, ví dụ gia đình Cây Anh Đào, Cây Trầm Hương…

Gia Nghiêm (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Lào, quốc tịch Pháp, sinh năm 1937, tập sự xuất gia năm 2002 (65 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 26 tháng 5 năm 2002 (65 tuổi) tại chùa Từ Nghiêm – Làng Mai, pháp tự Chân Gia Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Xoan. Thọ giới Thức Xoa Ma Na năm 2004 trong đại giới đàn Đoàn Tụ. Thọ giới lớn ngày 14 tháng 1 năm 2006 trong đại giới đàn Cổ Pháp. Là đệ tử thứ 150 của Sư Ông Làng Mai. Sư cô Gia Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.

Giả danh (thuật ngữ) Những danh từ như núi, sông, cha, mẹ, tôi, anh, chúng nó, v.v… không phải là những thực tại bất biến, chắc nịch, có thể tồn tại độc lập với nhau mà chỉ là những tên gọi ước lệ (conventional designation) để tiện dụng trong đời sống hàng ngày. Cũng như nước và sóng không phải là hai thực tại riêng rẽ, không có cái này thì không có cái kia. Ngã (chủ thể nhận thức) và pháp (đối tượng nhận thức) cũng chỉ là giả danh. Khi nói ‘Tôi đi Hà Nội’ thì tôi cũng là một giả danh mà Hà Nội cũng là một giả danh, tôi cũng là một khái niệm mà Hà Nội cũng là một khái niệm. Khái niệm và tên gọi được sử dụng để suy tư và nói năng, nhưng không phải là những thực tại đồng nhất và bất biến. Đó là những giả danh (prajnapti). Có khi gọi là những thi thiết (samvrti). Ta sử dụng giả danh nhưng không bị kẹt vào chúng. Thời gian và không gian cũng không phải là hai thực tại có thể tách rời mà tồn tại, chúng cũng là giả danh. Biết được như thế thì ta thấy được tính tương duyên tương tức của vạn pháp.
Giác Không (tên gọi) Thượng tọa Giác Không. Một vị giáo thọ xuất gia nam. Được Thầy Làng Mai truyền đăng năm 2004 trong đại giới đàn Đoàn Tụ với bài kệ truyền đăng như sau: Bến Giác cây lành và suối ngọt. Bờ Không tràn ngập ánh dương xuân. Then cửa nhiệm mầu trao pháp ấn. Chuông khuya vỗ thức đám mây hồng.

Giác Nghiêm (tên gọi) Một vị giáo thọ xuất gia nữ của Làng Mai. Người Pháp, quốc tịch Pháp, sinh năm 1943, tập sự xuất gia năm 1999 (56 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 04 tháng 12 năm 1999 (56 tuổi) tại chùa Từ Nghiêm – Làng Mai, pháp danh Deep Aspiration of the Heart, pháp tự Chân Giác Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Anh Đào. Thọ giới Thức Xoa Ma Na năm 2001. Thọ giới lớn ngày 09 tháng 01 năm 2003 trong đại giới đàn Đã Về Đã Tới. Nhận truyền đăng năm 2006 trong đại giới đàn Văn Lang với bài kệ truyền đăng: Ngước nhìn bến Giác đoan Nghiêm. Bao nhiêu não loạn ưu phiền rã tan. Pháp thân hương ngát chiên đàn. Giới thân tỏa chiếu hào quang rạng ngời. Là đệ tử thứ 87 của Sư Ông Làng Mai. Sư cô Giác Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. Sư cô hiện là trụ trì thiền đường Hơi Thở Nhẹ thuộc Làng Mai tại Paris. 
 
Giác Thanh (tên gọi) Một vị giáo thọ xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, quốc tịch Mỹ. Đệ nhất trụ trì của Tu Viện Lộc Uyển, Hoa Kỳ. Nhận truyền đăng phó pháp từ Thầy Làng Mai năm 1992 với bài kệ truyền đăng: Giác tánh nguyên thường tánh. Thanh âm diễn diệu tâm. Biển Tỳ Lô trăng sáng. Sóng nhạc vẫn trầm hùng. Thầy tịch năm 2001 tại Lộc Uyển. Trước khi thầy nhắm mắt, Thầy Làng Mai khi đó đang trong chuyến hoằng pháp tại Trung Quốc đã kịp gửi về tặng thầy bài thơ với lời đề “thương tặng sư em Giác Thanh”: Trượng phu tiếng đã biết. Việc đáng làm đã làm. Tháp vừa dựng sườn núi. Tiếng cười trẻ đã vang. 
 
Giác Viên (tên gọi) Thượng tọa Giác Viên. Được Thầy Làng Mai truyền đăng năm 1996 trong đại giới đàn Nến Ngọc với bài kệ truyền đăng như sau: Giác tính sang giàu mỗi phút giây. Viên đăng thắp sáng cả đêm ngày. Sen hồng tịnh độ trong tay nắm. Thanh nhàn ngày tháng bạch vân bay.

Giai Nghiêm (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, quốc tịch Việt Nam, sinh năm 1985, tập sự xuất gia năm 2004 (19 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 1 tháng 2 năm 2005 (20 tuổi) tại chùa Hoằng Pháp, Việt Nam, pháp danh Tâm Trừng Nam, pháp tự Chân Giai Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Vú Sữa. Thọ giới Thức Xoa Ma Na năm 2007 trong đại giới đàn Phương Bối. Thọ giới lớn ngày 5 tháng 1 năm 2008 tại tu viện Bát Nhã trong đại giới đàn Thanh Lương Địa. Là đệ tử thứ 229 của Sư Ông Làng Mai. Sư cô Giai Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.
Giải Nghiêm (tên gọi) Một vị giáo thọ xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, quốc tịch Canada, sinh năm 1967, tập sự xuất gia năm 1994 (27 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 03 tháng 08 năm 1994 (27 tuổi) tại chùa Cam Lộ – Làng Mai, pháp danh Tâm Chúc Quảng, pháp tự Chân Giải Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Sồi. Thọ giới Thức Xoa Ma Na năm 1996. Thọ giới lớn năm 1996 trong đại giới đàn Nến Ngọc. Nhận truyền đăng năm 2000 trong đại giới đàn Năm 2000 với bài kệ truyền đăng: Chân tâm kiến Giải vốn siêu trần. Tịnh độ trang Nghiêm ở tự thân. Trúc tím hoa vàng luôn biểu hiện. Trăng soi sông lặng bóng trong ngần. Là đệ tử thứ 27 của Sư Ông Làng Mai. Sư cô Giải Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. 
 
Giải Oan Bình Đẳng (thuật ngữ) xem Bình đẳng trước đau thương.

Giản Nghiêm (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, quốc tịch Việt Nam, sinh năm 1987, tập sự xuất gia năm 2007 (20 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 17 tháng 2 năm 2008 (21 tuổi) tại tu viện Bát Nhã, pháp danh Tâm Duyên Lai, pháp tự Chân Giản Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Lê. Là đệ tử thứ 495 của Sư Ông Làng Mai. Sư cô Giản Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.

Giáo Nghiêm (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, quốc tịch Việt Nam, sinh năm 1985, tập sự xuất gia năm 2007 (22 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 08 tháng 06 năm 2008 (23 tuổi) tại Tu viện Bát Nhã, pháp tự Chân Giáo Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Ngô Đồng. Là đệ tử thứ 529 của Sư Ông Làng Mai. Sư cô Giáo Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.

Giáo thọ tập sự (chức vụ) Những vị đang tập sự để sau này được phó pháp truyền đăng làm giáo thọ (dharmacàya). Thời gian tập sự ít nhất là một năm sau ngày được tuyên bố làm giáo thọ tập sự. Các vị tập sự được tham dự những buổi họp và các sinh hoạt khác của hội đồng giáo thọ.

Giận (sách) Một cuốn sách dịch từ nguyên bản tiếng Anh Anger, do nhà Lá Bối, Hoa Kỳ xuất bản lần thứ nhất năm 2004. NXB Văn Hóa Sài Gòn ấn hành tại VN năm 2006, NXB Tri Thức ấn hành năm 2009. Đây là một trong những sách National Best Seller (sách bán chạy nhất) của Thầy tại Hoa Kỳ. Từ nguyên bản tiếng Anh, sách được dịch ra rất nhiều thứ tiếng và xuất bản ở nhiều nước trên thế giới. Ấn bản tiếng Đại Hàn đã bán được một triệu cuốn trong vòng một năm. Sách này chào đời 24 giờ đồng hồ ngay sau cuộc tấn công Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế (World Trade Center) tại New York vào ngày 11 tháng 9 năm 2001. Trong dịp này trên 50 đài truyền hình và truyền thanh Hoa Kỳ đã phỏng vấn Thầy Làng Mai trực tiếp từ New York. Cuộc phỏng vấn xảy ra ngay tại chỗ gọi là National Media Tour.

Gieo hạt từ bi, gìn giữ đất mẹ (thư pháp) Chữ viết của Sư Ông đón xuân Mậu Tý 2008. Cũng là phép thực tập trọng tâm của tứ chúng đạo tràng Mai Thôn trong năm 2008, phù hợp với tinh thần bảo hộ trái đất và góp phần đưa tới sự chuyển ngược lại chiều hâm nóng địa cầu.

Giếng Nước Thơm Trong (sách) Một cuốn sách phiên tả từ băng giảng các bài pháp thoại của Thầy Làng Mai và các tin tức sinh hoạt của chùa Làng Mai. Nhà Lá Bối, Hoa Kỳ xuất bản năm 2000.

Giếng Thơm (cơ sở) Một cư xá thuộc Xóm Mới (từ năm 2008).

Giọt Nước Cánh Chim (sách) Một tập truyện ngắn nhiều tác giả do nhà xuất bản Lá Bối, Paris ấn hành năm 1976. Các truyện của Thầy Làng Mai ký các bút hiệu Thiều Chi và Nhất Hạnh.

Giới Bản Tân Tu (kinh sách) Giới bản của những vị đã thọ giới lớn, được Hội Đồng Giáo Thọ của Đạo Tràng Mai Thôn thực hiện sau nhiều năm nghiên cứu, pháp đàm và tham vấn các vị tôn túc của nhiều truyền thống Phật giáo trên thế giới. Giới Bản Tân Tu này đã được dịch ra tiếng Anh và tiếng Pháp, lần đầu tiên được công bố tại Viện Đại Học Tăng Già Trung Ương (Choong Ang Sangha University) ở thủ đô Hán Thành, Hàn Quốc ngày 31.3.2003. Tiếng Anh gọi là The Revised Pratimoksha. Được nhà xuất bản Lá Bối ấn hành lần đầu năm 2004. Cũng có thể tham khảo trên trang nhà Làng Mai.

Giới Minh (tên gọi) Ni sư Giới Minh. Một vị giáo thọ xuất gia nữ tu học theo pháp môn Làng Mai. Nhận truyền đăng năm 1996 trong đại giới đàn Nến Ngọc. Được Thầy Làng Mai truyền đăng với bài kệ truyền đăng như sau: Giới đức kia là ngọc sáng trong. Minh minh chiếu diệu tỏa mười phương. Tay lành nắm được cành dương liễu. Đại địa hồi sinh mỗi bước đường. Đến Làng Mai từ năm 1996. 
 
Giới Nghiêm (tên gọi) Một vị giáo thọ xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, quốc tịch Mỹ, sinh năm 1972, tập sự xuất gia năm 1995 (23 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 16 tháng 2 năm 1996 (24 tuổi) tại chùa Pháp Vân – Làng Mai, pháp danh Tâm Diệu Hồng Ngân, pháp tự Chân Giới Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Cam. Thọ giới Thức Xoa Ma Na năm 1998. Thọ giới lớn ngày 3 tháng 12 năm 1998 trong đại giới đàn Tăng Hội. Nhận truyền đăng năm 2001 trong đại giới đàn Kỷ Nguyên Mới với bài kệ truyền đăng: Hoa nở đồi cao ngát Giới hương. Trang Nghiêm đất Bụt nét chân thường. Cát bụi đường xa không để vướng. Quê nhà từng bước ngọt yêu thương. Là đệ tử thứ 37 của Sư Ông Làng Mai. Sư cô Giới Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. 
 
Giới Thông (tên gọi) Một vị giáo thọ xuất gia nữ tu học theo pháp môn Làng Mai, người Việt Nam. Được Thầy Làng Mai truyền đăng năm 2007 trong đại giới đàn Phương Bối với bài kệ truyền đăng: Ngày về pháp Giới dung Thông. Triều dâng hôm sớm mây lồng trước sau. Bước chân hơi thở nhiệm màu. Không đi cũng đến, nơi đâu cũng nhà. Đến Làng Mai từ năm 2004. 
 
Giới Tiếp Hiện Chú Giải (sách) Một cuốn sách của Thầy Làng Mai do nhà xuất bản Lá Bối, Paris ấn hành lần đầu năm 1985, sau đó được dịch ra nhiều thứ tiếng và được tái bản nhiều lần ở các nước. Bản dịch tiếng Anh lấy tựa đề Interbeing.

Going Home (sách) Một cuốn sách nguyên bản tiếng Anh của Thầy Làng Mai, nhà xuất bản Riverhead ấn hành năm 1999 tại New York, Hoa Kỳ. Được dịch ra nhiều thứ tiếng và xuất bản ở nhiều nước trên thế giới. Đây là cuốn sách thứ hai của Thầy về đối thoại giữa Phật giáo và Cơ Đốc Giáo, sau cuốn Living Buddha, Living Christ.

Gói bánh chưng bánh tét (sinh hoạt) Khoảng một tuần trước Tết nguyên đán, bốn chúng thuộc bốn chùa Làng Mai tập họp về một xóm để cùng nhau gói bánh chưng, bánh tét và các loại bánh khác như bánh ú, bánh tro,... Ngày này đúng là một ngày hội. Bốn chúng cùng làm việc có rất nhiều niềm vui, một cơ hội để mọi người cùng học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng tình huynh đệ. Đại chúng được chia ra nhiều nhóm: nhóm chuẩn bị lá, nhóm chuẩn bị đậu, nhóm chuẩn bị nếp, nhóm gói bánh, nhóm cột dây,... Cuối ngày bánh được chia đều cho mỗi xóm để mang về nấu tại xóm mình. Bếp củi sẽ được nhóm lên, trà và bánh được chuẩn bị, quý thầy và quý sư cô cùng quây quần bên bếp lửa uống trà, ăn bánh và đàn ca để nấu bánh cho đến sáng.

Gửi năng lượng chánh niệm (thuật ngữ) Hộ niệm cầu an hoặc cầu siêu bằng cách niệm danh hiệu đức Thích Ca và các vị Bồ Tát lớn là Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm và Địa Tạng. Tại Làng Mai sau mỗi bữa thọ trai theo nghi lễ đại chúng thường niệm Bụt để gửi năng lượng cho những vị nào đang gặp khó khăn, đau yếu hay mới qua đời. Sự thực tập bắt đầu bằng vị duy na đọc tên những vị cần được hộ niệm ‘xin đại chúng niệm Bụt gửi năng lượng bình an cho đạo hữu X đang được điều trị tại bệnh viện Y, phòng cấp cứu Z, v.v...’


Không có nhận xét nào: